Con Rắn, Ông Thị Trưởng Và Nhà Sư

Trong tám năm tu học ở Thái Lan, tôi thường trú trong tự viện giữa rừng già, nơi có nhiều rắn rít. Chín mươi chín phần trăm các loài rắn ở đây rất độc, một số có thể quấn chết người như không – tôi nghe nói như vậy từ lúc tôi mới tới hồi năm 1974.

Bấy giờ tôi gặp rắn hầu như hằng ngày. Có lần tôi đạp nhầm con rắn dài trên thước rưỡi ngay trong cốc tôi. May quá rắn cũng như tôi, cả hai nhảy ra hai phía. Lần khác tôi thấy rắn mà tưởng cành cây khô (xin lỗi rắn nha, rắn đâu đến đỗi vô tri như vậy!) một lần nữa – lần này mới lạ – có con rắn làm sao không biết mà có thể bò lên lưng của một sư bạn đang ngồi tụng kinh chung vói các sư chúng tôi. Lúc tôi thấy thì rắn đã lên tới vai sư rồi. Tôi ngưng ngang câu kinh trong lúc rắn và sư đưa mắt nhìn nhau. Sư bạn tôi nhẹ hất vạt áo và rắn bò đi một cách tự nhiên. Tôi tiếp tục bài kinh, nhưng tâm vẫn chưa thật định tĩnh.

Là sư tu học trong rừng, chúng tôi được dạy rải tâm từ bi đến mọi loài vật, nhất là rắn rít. Chúng tôi phải bảo vệ chúng. Đó phải chăng là một trong những lý do chúng tôi chưa ai bị rắn cắn.

Tại Thái tôi có dịp thấy con trăn dài cả bảy thước, to bằng bắp vế; tôi vô cùng ngạc nhiên và không thể tưởng tượng nổi. Tôi thấy con trăn này một lần nữa cùng với các bạn đồng tu, nhưng sau đó nghe nói trăn đã chết! Con rắn to thứ nhì mà tôi thấy làm tôi rợn tóc gáy luôn. Lúc ấy tôi đang đi trong rừng, tôi chợt thấy một khúc thân đen ngòm vừa to vừa dài chận ngang đường với đầu đuôi khuất trong bụi rậm hai bên đường. Biết là con rắn thật lớn, tôi theo dõi và tính sơ nghĩ nó dài ít nhất phải mười thước. Tôi thuật lại cho dân làng nghe, họ nói đó là con rắn hổ mang chúa – rất to và rất nguy hiểm!

Một đệ tử của Ajahn Chah, nay là một sư rất nổi tiếng, thuật lại câu chuyện sau: Sư đang tọa thiền với một sư khác trong rừng. Có tiếng động cho biết có một con rắn hổ mang to lù lù bò đến. Nhiều nơi ở Thái gọi rắn hổ mang là “rắn một bước” có nghĩa là khi bị nó mổ rồi nạn nhân chỉ bước được một bước là sụm xuống chết ngay chớ không còn con đường thoát thân nào cả. Rắn bò tới vị sư cả vươn đầu cao ngang đầu sư cả, phùng mang và bắt đầu kêu phì phì. Đứng vào thế của sư, bạn sẽ làm gì nè? Chạy? Vô ích vì hổ mang phóng rất nhanh, nai còn chạy không kịp và bị mổ huống hồ gì bạn!

Sư cả điềm nhiên mỉm cười, từ từ đưa tay lên vỗ nhẹ lên đầu rắn nói: «Cám ơn bạn đã đến viếng sư”. Tất cả các sư đều sửng sốt hơn khi các sư thấy rắn xếp mang, hạ đầu và bò tới một sư khác. Sư “có duyên” này kể lại rằng sư điếng người, chớ còn hồn vía đâu mà vỗ đầu rắn như sư cả.

Sư cả vỗ đầu rắn nổi tiếng là một chơn tu rất từ bi. Ngài có đến Úc và an trú tại tự viện của chúng tôi. Bấy giờ chúng tôi đang xây chánh điện và xúc tiến nhiều công trình kiến trúc khác. Một hôm ông Thị trưởng sở tại đến viếng để thanh tra công trình xây cất. Ông này làm thị trưởng thì chắc chẳng ai bằng. Ông sinh ra và lớn lên tại địa phương. Ông còn là một nhà nông rất thành công. Tưởng ông dềnh dàng, bệ vệ, với cái bụng quá khổ khiến chiếc áo vét ông mặc hôm ấy không gài nút được. Gặp ông sư cả thản nhiên đưa tay vỗ nhẹ lên bụng “trống chầu” của ông. Tôi nghĩ, “Thôi chết rồi, các công trình dở dang của tự viên khó thể hoàn tất!”

Trong lúc vỗ bụng ông, sư cả nhìn ông mỉm cười. Ông cười theo và cười càng lúc càng đắc ý hơn. Rõ ràng ông thích được sư cả vỗ bụng. Thế là tất cả các công trình đều được chấp thuận và sư cả trỏ thành người bạn rất thân của chúng tôi và rất nhiệt tình đối với tự viện.

Tâm từ bi là nền tảng của mọi hành động của các sư chúng tôi. Sư cả có tâm từ bi nên ông có thể vỗ đầu rắn hổ mang và vỗ bụng ông thị trưởng, và cả hai đều quý mến sư. Dĩ nhiên tôi không dám khuyến khích các bạn làm như vậy nếu các bạn chưa nhập vào dòng Thánh.