Vào đời Nguyên, Tần Chiêu là người Dương Châu, độ tuổi đôi mươi có dịp đi chơi đến kinh thành. Lúc lên thuyền rồi, có người bạn họ Đặng mang rượu đến đưa tiễn. Đang lúc cả hai cùng nâng ly, bỗng có một cô gái tuyệt đẹp bước đến. Người bạn họ Đặng liền bảo cô ấy thi lễ với Tần Chiêu, rồi nói: “Cô gái này nguyên là nô tỳ, có vị đại nhân ở một bộ [nơi kinh thành] đã bỏ tiền mua về làm thiếp. Nhân tiện chuyến đi này của anh, xin giúp đưa cô ấy đến [chỗ ông ta ở] kinh thành.”
Tần Chiêu ba lần từ chối không nhận, họ Đặng giận đổi sắc mặt, nói: “Sao anh lại cố chấp đến thế? Ví như không tự giữ mình được thì cứ xem như cô gái này sẽ về làm vợ anh, bất quá chỉ mất hai ngàn năm trăm quan tiền mà thôi.” Tần Chiêu bất đắc dĩ phải nhận lời [đưa cô gái đi cùng].
Khi ấy tiết trời nóng bức, ban đêm nhiều muỗi, cô gái khổ sở không ngủ được vì không có mùng. Tần Chiêu liền bảo cô vào ngủ chung mùng với mình. Hành trình theo đường sông phải mất mười ngày như vậy mới đến kinh thành.
Tần Chiêu gửi cô gái cho bà chủ quán trọ, rồi tự mình mang thư của người bạn họ Đặng đến cho vị đại nhân kia. Ông ta dọ hỏi: “Anh đi như thế, có người nhà cùng đi chăng?” Tần Chiêu đáp: “Không, chỉ có mỗi mình tôi thôi.” Ông ta nghe vậy bỗng nhiên biến sắc, lộ vẻ giận ra mặt, nhưng vì có thư của họ Đặng nên phải miễn cưỡng cho người đón cô gái kia về nhà.
Đêm ấy, ông ta mới biết cô gái chưa từng thất thân, trong lòng tự thấy hết sức xấu hổ. Hôm sau lập tức viết thư cho họ Đặng, hết lời ngợi khen đức hạnh của Tần Chiêu. Ông lại đến thăm Tần Chiêu, nói: “Ông quả là người quân tử đức độ cao vời, xưa nay ít có. Hôm qua tôi hết sức nghi ngờ [việc ông đi chung thuyền nhiều ngày với người thiếp của tôi], quả thật là đã lấy bụng tiểu nhân đo lòng quân tử. Tôi lấy làm hổ thẹn vô cùng.”