Không chỉ sống trong chùa, mà bất cứ nơi đâu, người lắm chuyện thì dễ chuốc họa vào thân.
HỎI: Tôi mới xuất gia nên thường gần gũi những vị thầy lớn hơn để học hỏi và được dạy bảo. Thế nhưng trong quá trình thân cận các vị thầy lớn, tôi bị đại chúng xa lánh và mang tiếng là kẻ mách lẻo chuyện người khác.
Kiểm nghiệm lại bản thân, tôi thấy mình không hề có vấn đề nói chuyện của người khác, tôi chỉ muốn thân cận để được chỉ dạy và học hỏi kinh nghiệm cũng như công hạnh các vị đi trước mà thôi. Vậy tôi phải làm sao để vừa thân cận các bậc thầy, lại vừa được đại chúng thương mến?
(MINH TÂM, thichminhtam331@gamil.com)
Trong việc tu học, thân cận các bậc trưởng thượng, những bậc thiện tri thức để học hỏi và được chỉ dạy thêm là điều nên làm. Bởi có những bài học vốn nằm ngoài trường lớp và sách vở, người học trò tinh ý mới có thể học được rất nhiều điều nơi thân giáo của các bậc thầy. Ngoài những điều lợi ích, đôi khi việc thân cận các bậc tôn túc lãnh đạo chùa viện cũng dễ khiến cho đại chúng nghi ngờ mình là người lắm chuyện và luôn giữ khoảng cách với mình. Vì thế, phải khéo thân cận thiện tri thức.
Rất may là bạn đã “kiểm nghiệm lại bản thân, tôi thấy mình không hề có vấn đề nói chuyện của người khác”. Nên quán triệt về điều này để xây dựng tính cách của mình. Không chỉ sống trong chùa, mà bất cứ nơi đâu, người lắm chuyện thì không phải là khôn khéo, dễ chuốc họa vào thân. Phải lập hạnh chuyện đâu bỏ đó, chỉ nói những gì đáng nói mà thôi. Đối với những trường hợp vì lợi ích chung, vì xây dựng cho đại chúng thì cần thưa lên trên, và dĩ nhiên phải can đảm thừa nhận việc ấy, nhận trách nhiệm về mình.
Sống với thầy tổ và huynh đệ là lâu dài chứ không phải ngày một ngày hai. Do đó, sự chân tình và thành thật mới là điều quan trọng nhất. Bạn hãy sống và tu học đúng theo lời Phật, lời thầy chỉ dạy, nhẫn nại với điều tiếng và thị phi, theo thời gian đại chúng sẽ hiểu và thương kính mình hơn.
Chúc bạn tinh tấn!
Nguồn: giacngo.vn