Đứng trước một vấn đề, từ việc nhìn người đến việc đối diện với nguy nan, người xưa đều có cách nhìn nhận thật thông suốt. Dưới đây là hai mẩu chuyện được ghi chép lại, vô cùng ý nghĩa đối với con người ngày nay.
Quản Trọng tiến cử người
Quản Trọng là một đại thần nổi tiếng của nước Tề thời xuân thu, ông làm tể tướng rất nhiều năm, rất được Tề Hoàn Công tín nhiệm. Có một lần Quản Trọng mắc bệnh nặng, bệnh tình càng ngày càng xấu đi. Tề Hoàn Công đến gặp Quản Trọng, và nói với ông ấy rằng: “Bệnh của ngươi rất nặng, có chuyện lẽ ra không nên nói, nhưng hiện giờ không thể không nói, mong ngươi bỏ quá cho”.
Quản Trọng gượng cười, ý muốn bảo Hoàn Công hãy nói ra. Tề Hoàn Công nói tiếp: “Ngộ nhỡ không may ngươi qua đời, vậy thì ta nên tìm ai để gánh vác chuyện quốc sự?”.
Quản Trọng hỏi lại: “Ngài định chọn ai?”.
Tề Hoàn Công nói: “Ta nghĩ chỉ có Bảo Thúc Nha mới có thể đảm nhiệm”.
Quản Trọng nghe xong, lắc đầu nói:
“Không được, không được! Bảo Thúc Nha rất liêm khiết, là một người tốt. Nhưng ông ta từ trước đến giờ không bao giờ gần gũi với những người bên dưới mình, người khác có mắc lỗi gì thì ông ấy sẽ nhớ suốt đời. Nếu để ông ta lo liệu quốc sự, đối với trên thì làm trái với ý chỉ của vua, đối với dưới thì không chịu lắng nghe. Như vậy chẳng mấy chốc mà làm mất lòng Vua”.
Tề Hoàn Công nói: “Như vậy thì theo người nên chọn ai?”.
Quản Trọng nói: “Thần thấy chỉ có Thấp Bằng mới có thể. Thấp Bằng rất hòa nhã với người khác, trên thuận theo ý Vua, dưới gần gũi với dân chúng, yêu thương mọi người”.
Quản Trọng nói đến đây thở một hơi dài, rồi lại nói: “
Người dùng đức độ của mình để thu phục người khác, gọi là thánh nhân; người dùng tiền tài vật chất của mình để giúp đỡ, thu phục người khác, gọi là người tài. Ỷ mình là người có tài năng, khinh thường người khác, thì sẽ mất đi nhân tâm; Người tài giỏi nếu có thể cư xử khiêm tốn, thì sẽ nhận được sự ủng hộ và yêu quý của bách tính. Vì vậy, ngoài Thấp Bằng ra, thì ai cũng không thể đảm nhận trọng trách này”.
Thời xuân thu, Khổng Tử dẫn đệ tử đi chu du khắp Liệt Quốc. Có một lần, Khổng Tử và các đệ tử vị vây bắt ở giữa hai nước Trần và Thái, đã 7 ngày không ăn không uống gì.
Lúc này, có một người tên là Đại Công Nhậm, tiến đến vấn an Khổng Tử.
Đại Công Nhậm hỏi Khổng Tử: “Ngài sắp chết đói rồi phải không?”.
Khổng Tử uể oải trả lời: “Đúng, tôi sắp xong rồi”.
Đại Công Nhậm nói: “Ngài sợ chết đúng không?”.
Khổng Tử trả lời: “Sợ”.
Đại Công Nhậm nói:
“Vậy nghe tôi nói về đạo bất tử nhé! Biển Đông có loài chim tên là Ý Đãi. Loài chim này bay chậm và thấp, tựa như không có khí lực vậy. Khi bay thì bay theo bầy, khi đậu thì đậu sát bên nhau. Khi bay không con nào dám bay trước; khi hạ cánh thì không con nào dám hạ cánh sau. Khi ăn thì không dám ăn trước, chỉ ăn đồ thừa của loài chim khác. Cho nên trong bầy đàn chúng không bị xua đuổi, và từ trước nay người ta cũng không hại được chúng, vì vậy mà tránh được mối họa”.
Đại Công Nhậm thấy Khổng Tử lắng nghe, liến tiếp tục nói:
“Đạo lý rất đơn giản, cây thẳng tắp bị chặt trước; nước giếng ngọt bị múc cạn trước. Ngài luôn tu thân dưỡng đức, phản đối người khác không trong sạch, trau chuốt tài trí, khiến kẻ ngu dốt phải hoảng sợ, như thế ắt khó tránh khỏi gặp tai họa. Tôi nghe nói, không màng quyền thế, không truy cầu công danh, thì nội tâm sẽ tĩnh tại. Tại sao ngài vẫn coi trọng thanh danh đến vậy?”.
Nghe đến đây, Khổng Tử tinh thần chấn động nói: “Ông nói rất đúng! Tôi biết phải làm gì rồi”.