Chích lý tây quy ( quảy hài về Tây ) ?

Hỏi: Kính bạch thầy, khi vào các chùa thuộc Phật giáo Bắc tông, ở hậu tổ, con thấy đa phần các chùa đều có thờ hình Tổ Bồ Đề Đạt Ma trên vai có quảy một chiếc dép. Con không hiểu về sự tích và ý nghĩa nầy như thế nào? Kính mong thầy hoan hỷ giải đáp cho con rõ.

Kính đội ơn thầy.

Đáp: Tổ Bồ Đề Đạt Ma là vị sơ Tổ Trung Hoa. Sử ghi lại, Ngài từ Ấn Độ đến Trung Hoa truyền pháp đi bằng đường biển tới Quảng Châu ngày 21 tháng 9 năm Canh Tý nhằm đời nhà Lương, niên hiệu Phổ Thông năm đầu (520. TL ).

Sau khi hội kiến cùng vua Lương Võ Đế, Ngài thấy căn cơ của nhà vua không lãnh hội được yếu chỉ Thiền tông, nên Ngài rời khỏi Kim Lăng (kinh đô nước Lương) đến Lạc Dương, trụ tại chùa Thiếu Lâm ở Tung Sơn, trọn ngày ngồi xoay mặt vào vách im lặng. Nơi đây, Ngài đã độ một vị đệ tử đầu tiên tên là Thần Quang pháp danh là Huệ Khả. Huệ Khả đã được Ngài truyền tâm ấn và kế vị làm Tổ thứ hai.

Thời kỳ cuối đời Ngài hiện có nhiều truyền thuyết quan niệm khác nhau. Theo Thiền Luận, quyển thượng của Thiền sư Suzuki do Trúc Thiên dịch thì: “Những ngày cuối cùng của Đạt Ma ở Trung Hoa bao trùm trong bí mật; ta không biết rằng bằng cách nào, lúc nào và tại đâu Sư lìa cõi thế tục nầy. Có người nói Sư bị đối phương đầu độc, người nói Sư băng qua sa mạc về Ấn…”  Tuy vậy, căn cứ Sử 33 vị Tổ Thiền tông Ấn

Hoa do Hòa Thượng Thích Thanh Từ biên soạn, thì Ngài an nhiên thị tịch tại Trung Hoa nhằm ngày mùng 9 tháng 10 năm Bính Thìn, niên hiệu Đại Thông năm thứ hai, nhà Lương (529 TL). Nhục thân của Ngài an táng tại chùa Định Lâm, núi Hùng Nhĩ. Nhưng khi Tống Vân đi sứ Ấn Độ về lại gặp Ngài tại núi Thông Lãnh, quảy một chiếc dép và đi nhanh như bay. Tống Vân sau khi về Triều tấu trình mọi sự lên vua, nhà vua liền cho khai quật mộ Ngài, thì quả nhiên không thấy thi thể của Ngài và chỉ còn thấy có một chiếc dép. Mục kích điều kỳ diệu nầy, nhà vua liền ra lệnh đem chiếc dép về thờ tại chùa Thiếu Lâm. Từ đó về sau, các chùa Phật giáo Bắc tông, ở hậu tổ đều có thờ tôn tượng qua hình ảnh trên vai quảy chiếc dép nầy, gọi là quảy hài về Tây.

Đó là chúng tôi lược kể về chuyện tích của Ngài. Nhưng tại sao Ngài không quảy một đôi dép mà Ngài chỉ quảy một chiếc? Vậy quảy một chiếc có ý nghĩa gì? Và tại sao không xách mà phải quảy trên vai? Đó là điều mà đại đa số chúng ta đều thắc mắc. Vấn đề nầy, thú thật, thì chúng tôi chưa thấy sách sử nào ghi chép giải thích, nhưng, theo chỗ học hỏi tìm hiểu của chúng tôi, thì điều nầy, chỉ là mang một ý nghĩa có tánh cách biểu trưng mà thôi.

Theo nhà Thiền, muốn giải thoát thì hành giả phải vượt ra ngoài đối đãi vọng chấp hai đầu. Hiện tại, chúng ta đang sống bị dính kẹt vào lối chấp đối đãi hai đầu: có, không, phải, trái v.v… Chính vì sự dính mắc nầy mà chúng ta phải chịu triền miên đau khổ. Vì còn thấy có hai bên là còn có vọng chấp phiền não tạo nghiệp. Đã có tạo nghiệp là có sanh tử luân hồi nổi trôi để thọ quả báo. Muốn chấm dứt vòng sanh tử khổ đau, thì hành giả cần phải buông xả vọng chấp hai đầu nầy. Do đó, một chiếc dép là để biểu trưng cho yếu lý vượt ngoài đối đãi và phải đạt cho kỳ được diệu lý Nhứt thừa viên đốn.

Còn quảy trên vai là nói lên ý nghĩa gánh vác đảm đang. Trọng trách của người tăng sĩ, nhứt là người tu Thiền thì phải có trách nhiệm hoằng truyền chánh pháp. Tục diệm huệ đăng hay dĩ tâm truyền tâm, để cho chánh pháp được lưu truyền mãi trên nhơn gian làm lợi ích cho chúng sanh, đó là một trọng trách lớn lao của người tăng sĩ: “tác Như lai sứ và hành Như lai sự” vậy.