Thừa Cung, tự là Tiểu Tử, sống dưới thời Đông Hán, là người huyện Lang Tà, vùng Cô Mạc ( nay là thành phố Chu Thành tỉnh Sơn Đông ). Từ nhỏ đã mồ côi cha, gia cảnh bần hàn, nhưng ông rất chịu khó và chăm học. Cuối cùng sự học cũng có thành tựu, ông trở thành thầy giáo dạy học tại quê nhà.
Gặp khi thiên hạ đại loạn, Thừa Cung dẫn học trò chạy đến Hán Trung. Sau đó, ông lại cùng vợ chạy tới núi Mông Âm, ở lại nơi này kiếm sống bằng nghề nông. Một ngày nọ, lúc mùa vụ đã cận kề, đột nhiên có người đến nói rằng mùa màng này là của ông ta. Thừa Cung chẳng hề so đo gì cả, lấy mùa vụ tặng hết cả cho người đó, rồi rời nơi ấy mà đi.
Gặp phải cảnh ngộ như thế, người bình thường không thể nhẫn chịu được. Vậy mà Thừa Cung không trách không oán, đối với lợi ích thiết thân của mình lại có thể đem cho. Kỳ thực đây không phải là hành vi yếu nhược, mà là kết quả của đức tính đại nhẫn và độ lượng, chỉ những người có học vấn và phẩm hạnh tu dưỡng cao thâm mới làm được. Thừa Cung bởi sự việc này mà danh thơm truyền rộng, vang đến tận triều đình. Sử sách hết lời ca ngợi ông là người hiền đức, liên tiếp 3 phủ triệu mời ông ra làm quan, nhưng Thừa Cung một mực từ hối.
Vào những năm Vĩnh Bình, theo lời tiến cử Thừa Cung về kinh thành, được Hoàng đế phong làm quan Bác Sỹ, không lâu sau thăng làm Tả Trung Lang Tướng. Ông nhiều lần đứng ra nói lời chính trực, kể rõ tình hình chính sự, ý kiến bình thản mà chân thành, triều thần thảy đều kính sợ khí tiết của ông. Uy danh của Thừa Cung vang xa đến tận Hung Nô, ngay cả Bắc Đan Vu cũng chuyên môn phái sứ giả đến cầu kiến ông.