Người đời đều ghét sự tổn hại, nhưng ai ai cũng làm những chuyện gây tổn hại. Người đời đều sợ đọa lạc, nhưng ở đâu cũng gieo trồng nhân đọa lạc. Có người vô cớ bị cha mẹ mắng là đồ chó, lợn, đồ súc vật, liền buồn rầu không vui, giận cha mẹ đã sỉ nhục mình. Đối với cái tên gọi “chó, lợn, súc vật” mà còn căm ghét, chỉ sợ bị gán ghép cho mình, thì lẽ ra đối với việc thực sự sa đọa làm chó lợn, súc vật ắt phải hết sức sợ sệt, chỉ e không biết cách nào để dứt khoát tránh xa. Thế mà chỉ riêng một việc đãi đằng quan khách liền luộc cá, nấu tôm, mổ gà, giết vịt, [dù biết] quả báo nhất định phải chịu khổ đau trong ba đường dữ mà vẫn không chịu tỉnh ngộ, như vậy chẳng phải là chỉ ghét cái danh xưng mà không biết sợ mối họa thực sự [phải làm súc vật] đó sao?
Kinh Lăng nghiêm dạy rằng: “Vì người ăn thịt dê nên dê chết sinh làm người, người chết sinh làm dê [để trả món nợ ăn dê]. Ăn thịt các chúng sinh khác cũng vậy, sinh ra rồi chết đi, đời này sang đời khác ăn thịt lẫn nhau, cùng tạo nghiệp ác, tiếp nối mãi không dứt.” Đức Phật không nói lời dối gạt, sao có thể ngờ vực không tin? Cho nên biết rằng, mổ gà thì chịu quả báo làm gà, giết chó ắt chịu quả báo làm chó, lẽ ấy tất nhiên. Than ôi, trước đây cha mẹ mắng [ta là chó, lợn] thì không muốn nhận, nay chỉ vì miếng ăn trong miệng của người khác mà tự mình [tạo nhân để phải] làm chó, lợn. Chỉ vì một lúc vui đùa yến tiệc mà tự mình [tạo nhân để phải] làm chó, lợn. Đó chẳng phải là điều không nên làm mà đã làm rồi đó sao?