Ở Lư Lăng có người tên Ngô Đường, rất giỏi săn bắn, khi đi săn thường dắt theo đứa con trai nhỏ. Một hôm, gặp nai mẹ dẫn theo nai con, Ngô Đường bắn một phát trúng nai con ngã xuống chết. Nai mẹ kêu lên tiếng bi thương rồi chạy đi. Ngô Đường liền nấp vào trong lùm cỏ rậm, rình thấy nai mẹ quay lại thè lưỡi liếm xác con, liền giương cung bắn chết luôn nai mẹ.
Thoáng chốc bỗng thấy có một con nai nữa, liền bắn ngay, hóa ra mũi tên trúng vào con trai mình. Ngô Đường ôm con khóc rống lên, chợt nghe giữa không trung có tiếng nói: “Ngô Đường! Nai kia cũng thương con có khác gì ngươi?”
Ngô Đường đang lúc hết sức kinh hãi, bỗng thấy xuất hiện một con cọp vồ lấy đứa trẻ, cắn đứt một cánh tay, khiến nó chết ngay lúc ấy.
Có người hỏi: “Trị tội người không nên liên lụy đến con cái, Ngô Đường tất nhiên độc ác, nhưng con trai còn nhỏ của ông ta nào có tội gì? Oán ghét người cha mà giết đứa con, lưới pháp âm ty liệu có khắc nghiệt quá chăng?”
Đó là không biết rằng, người làm thiện ắt sẽ sinh vào nhà làm thiện để cùng hưởng phúc, người làm ác ắt phải sinh vào nhà làm ác để cùng chịu tội. Đứa con trai Ngô Đường chắc chắn đời trước đã từng làm nhiều việc ác, phải chịu quả báo bị cọp vồ mà chết, thế nên mới sinh vào nhà Ngô Đường để chịu tai họa ấy. Như vậy là để cho thiên hạ biết mà kiêng sợ, để người cha biết được sự trừng phạt là như thế. Nhân duyên hội tụ thành những điều như vậy, đều là do nghiệp lực không thể nghĩ bàn chiêu cảm mà thành.
Đức Phật có nói: “Khi thời gian một kiếp sắp hết, tuổi thọ trung bình của con người chỉ còn được 10 tuổi, chúng sinh gặp nhau, tất cả đều sinh tâm ác độc giết hại lẫn nhau, không chút từ tâm thương xót, cũng giống như người thợ săn ở chốn núi rừng, khi nhìn thấy muôn loài cầm thú chỉ khởi tâm ác độc muốn giết hại mà thôi, không chút thương xót. Vì thế, khi kiếp này sắp hết, trong vòng bảy ngày cuối cùng, cỏ cây đất đá đều hóa thành đao trượng, [chúng sinh nhân đó] tàn hại lẫn nhau, cho nên sau khi chết đi rồi tất cả đều đọa vào các đường ác.”
Xin khuyên hết thảy người đời, khi nhìn thấy đồng loại nên khởi sinh tâm từ bi cứu độ, khi nhìn thấy muôn loài chúng sinh, cũng nên khởi sinh tâm từ bi cứu độ. Dù sinh ra ở đâu cũng phát khởi tâm nguyện Bồ-đề. Được như thế thì dù có tội chướng [đã tạo trước đây] cũng sẽ tức thời tiêu tan như băng tuyết dưới ánh mặt trời.