Nhà Tiên Tri

Xưa, có ông Bà la môn luôn khoe mình thông thiên văn địa lý, có tài đoán quá khứ vị lai, ông thường đi khắp nơi tuyên bố mình có thần thông, tài trí hơn người.

Bốc phét nhiều quá, rồi cũng bị lộ nên ông phải lang thang, di cư đến chỗ nào thiên hạ chưa biết rõ về mình để trổ ngón nghề.

Lần này, ông đi đến một xứ lạ, hàng ngày ẳm đứa con trai nhỏ ra chợ, lựa chỗ đông người qua lại, khóc rống rất thảm thiết.

Tiếng khóc của ông làm thiên hạ mủi lòng, họ bu lại hỏi thăm. Ông hỉ mũi rồn rột, kể lể:

– Tôi nhờ biết quá khứ vị lai nên thấy rõ con tôi bảy ngày sau sẽ chết, vì vậy mà thương tâm, đau lòng không cầm được nước mắt!

Mọi người xúm nhau khuyên ông:

– Đừng lo! Chắc gì tiên đoán của ông là đúng? Biết đâu tuần sau thằng bé vẫn còn sống? Ông đừng căng thẳng quá! Chuyện chưa tới mà, ông khóc trước làm chi?

Ông Bà la môn quẹt nước mắt, nói quả quyết như đinh đóng cột:

– Mặt trời, mặt trăng có thể rơi, song tài tiên đoán của tôi chưa sai lệch bao giờ! Nếu không tin, các ông cứ đợi bảy ngày sau sẽ rõ!

Đến ngày thứ bảy, Bà la môn dùng gối bịt mũi giết chết con mình, ẳm xác nó ra chợ vừa khóc vừa kêu:

– Quý vị xem này, con trai tôi đêm qua vô duyên vô cớ tắt thở rồi!

Những người chung quanh đều kinh ngạc. Ai cũng cho ông có tài tiên tri như thần.

Họ xúm nhau an ủi, xin theo học và cung phụng ông rất hậu.

Nhưng ông Bà la môn vẫn chưa vừa lòng. Vài ngày sau, ông leo lên cây cổ thụ gần cổng thành, đu tòng teng trên đó và không ngừng kêu to:

– Hãy dâng cho ta một trăm con bò, một vạn quan tiền, một đầy tớ gái. Nếu các ngươi không làm đúng theo lời ta yêu cầu, ta sẽ buông mình rơi xuống đất cho chết… Chừng đó, cả thành này sẽ bị hủy diệt hết cho mà xem!

Những người nhẹ dạ nghe hăm, sợ quá, lật đật đáp ứng theo yêu cầu của ông và năn nỉ ông hãy tuột xuống cây, không nên tự hại, gieo họa cho dân.

Cứ thế, mỗi lần cần lợi dưỡng, Bà la môn đều leo lên cây hăm he, làm nư đủ điều.

Ngày nọ, ông cũng giở mửng cũ, hăm thả tay, buông tay… không may bị vuột tay thiệt, thế là ông rơi xuống, chết tươi.

Dân trong thành thấy thị trấn chẳng bị hủy diệt gì ráo, họ hiểu ra, bảo nhau:

– Lão Bà la môn này ngay cả việc đoán số mệnh của mình cũng không biết, nói gì đến tiên tri chuyện thiên hạ, chúng ta bị lão lừa rồi!

Hạnh Đoan (Phỏng theo kinh Bách Dụ)

—o0o—

Bài Học Đạo Lý

Thật ra, khi người ta đối mặt với quá nhiều khổ đau trong cuộc sống, những lúc tuyệt vọng, cùng đường, họ thường tìm sự an ủi, cầu may bên ngoài. Dù vận đỏ chẳng đến như thầy bói nói, song những lời tiên tri không thật vẫn có tác dụng ru ngủ, vỗ về và xoa dịu cơn buồn hiện tại, vì nó cho người ta niềm hy vọng về một tương lai đổi đời, xán lạn. (Không có thầy bói nào nói thân chủ sẽ gặp toàn xui xẻo, mà sẽ đoán có đủ rủi may, rồi đen đủi sẽ qua và vận hên sẽ đến, vì không ai bỏ tiền ra để ngồi nghe thầy bói… trù ẻo mình).

Hy vọng và mơ ước là tâm lý thường tình của con người, thậm chí người ta còn sẵn sàng tự huyễn hoặc mình để trốn tránh đau khổ. Thế nhưng, khổ đau khó trốn, cũng như may mắn không từ trời rơi xuống hay do bề trên nào ban. Vì thật bất công nếu “bề trên” ban may cho người này, tặng rủi cho người kia. Các kinh điển Thánh triết luôn nhắc rằng: Chính chúng ta nhận lãnh quả từ những gì mình đã gieo. Đức Phật từng dạy: “Muốn biết đời sau, hãy nhìn cách sống đời này”.

Vì vậy, may rủi tùy thuộc vào mình chứ không ở nơi vận số. Ông Bà la môn tưởng lừa được người để hưởng lợi to, nhưng kết quả thật thảm: Ông mất con, mất mạng và mất luôn tiếng tăm gầy dựng nhờ dối gạt. Xem ra, cho dù ông có đem tất cả danh lợi đã thu hoạch ra đánh đổi… cũng không thể bù đắp được tổn thất quá lớn lao. Cái này gọi là tính già hóa non, lừa người thành hại mình.