Quan niệm về thiện (wholesome) và bất thiện (unwholesome) trong Phật giáo được xác định rõ qua giáo lý nghiệp báo, trong đó căn bản có mười thiện nghiệp và mười bất thiện nghiệp, được chia làm ba phần theo thân, miệng, và ý. Thân có ba nghiệp là sát sinh, trộm cắp, và tà dâm; miệng có bốn nghiệp là nói dối, nói lưỡi hai chiều, nói lời thêu dệt, và nói lời xấu ác; ý có ba nghiệp là tham lam, sân hận, và si mê, tức là tà kiến, cố chấp. Phạm vào mười điều trên thì gọi là bất thiện (xấu, ác); trái lại, không phạm mười điều trên và nỗ lực phóng sinh, bố thí, tịnh hạnh, nói lời chân thật, ái ngữ, hòa hợp, từ ái, và tu tập các thiện pháp… được gọi là thiện nghiệp. Ở đây có hai bình diện cần được xét đến trong quan niệm thiện của đạo Phật, bao gồm đạo đức căn bản của con người và giác ngộ giải thoát. Về mặt đạo đức căn bản, thiện là gìn giữ mười nghiệp lành và tu tập các thiện pháp; về mặt giác ngộ giải thoát, thiện chính là Niết bàn và những pháp đưa đến Niết bàn, bao gồm các pháp vô lậu-giải thoát. Như vậy có hai cấp độ rõ ràng trong quan niệm thiện của đạo Phật, đó là thiện trong ý nghĩa đạo đức nhân sinh, và thiện trong ý nghĩa xuất thế gian, Niết bàn giải thoát.