Cách đây vài năm có một người phụ nữ trẻ người Úc đến gặp tôi tại chùa ở Perth. Các nhà sư thường được những người gặp rắc rối tìm đến để thỉnh ý, có lẽ vì chúng tôi không tốn tiền – chúng tôi không bao giờ đòi lệ phí đâu. Cô đau khổ vì cảm thấy tội lỗi. Khoảng 6 tháng trước cô làm việc tại một khu mỏ thuộc vùng xa trên miền bắc Tây Úc. Công việc của cô rất vất vả, bù lại lương cô khá cao. Nhưng điều đáng nói là cô không biết làm gì lúc rỗi rãi.
Một trưa chủ nhật nọ cô đề nghị với người bạn thân và anh bạn thân của cô lái xe đưa cô vô rừng chơi. Bạn cô cũng như bạn trai của cô không muốn đi. Khổ nỗi đi một mình thì không vui. Do đó cô hết lời thuyết phục cho đến khi hai người này đồng ý đi mới thôi.
Tai nạn xảy ra: xe chạy trên đường trải sỏi bị trợt, lật. Bạn cô chết và bạn trai cô bị liệt. Cô thì không sao. Chuyến đi do cô chủ xướng nên cô đeo nặng mặc cảm tội lỗi.
“Giá như con không nài ép họ đi thì cô ấy đâu có chết và anh ấy đâu có bị bại liệt. Đáng lẽ con không nên nài ép. Con hối hận quá. Con thật có tội” Cô nói với khóe mắt ngập tràn nỗi ân hận.
Ý nghĩ đến trong đầu tôi trước tiên là trấn an cô ấy bằng cách nói rằng đó không phải là lỗi của cô. Cô đâu có dự tính tai nạn ấy. Cô đâu có hại bạn cô. Chuyện tự nhiên xảy đến mà. Hãy để nó qua đi. Đừng mặc cảm tội lỗi. Nhưng ý nghĩ thứ hai lại đến, “Tôi tin rằng cô đã nghe những lời tương tự cả trăm lần rồi và rõ ràng chúng không có tác dụng gì.” Vì vậy tôi kịp thời dừng lại, nghĩ kỹ hiện trạng của cô, rồi nói với cô rằng cô cảm thấy có tội là điều tốt!
Mặt cô bỗng thay đổi từ hối hận sang ngạc nhiên và từ ngạc nhiên sang khuây khỏa. Trước đó cô chưa từng nghe ai nói cô nên cảm thấy tội lỗi! Tôi đã đoán đúng. Cô có mặc cảm về cái cảm nghĩ rằng mình có tội. Cô cảm thấy có tội, nhưng mọi người đều nói rằng cô không nên làm như vậy. Do đó cô cảm thấy “mình tội gấp đôi,” phần tội thứ nhất vì tai nạn, phần tội thứ hai vì mặc cảm mình có tội. Cái tâm phức tạp của chúng ta đối đãi như vậy đó.
Chỉ khi nào chúng ta giải quyết xong phần tội thứ nhất và biết rằng việc cô cảm thấy có tội là chuyện thường tình, chúng ta mới có thể giải quyết được bước tiếp theo: phải làm gì với cái tội đó?
Phật giáo có câu sau rất hữu dụng: “Nên thắp lên một ngọn nến hơn là ngồi đó than phiền bóng tối.”
Chúng ta nên tìm một việc gì đó để làm thay vì cảm thấy bồn chồn, ray rứt, thậm chí cái việc nói đây là ta chỉ ngồi tĩnh lặng trong khoảnh khắc không than phiền gì ráo.
Về thực chất tội lỗi khác với hối hận. Trong xã hội của chúng ta “có tội” là lời tuyên án qua nhịp búa của quan chánh án. Và nếu không có ai phạt chúng ta, chúng ta sẽ tự phạt mình bằng cách này hay cách khác. Tội lỗi hàm ý một sự trừng phạt sâu tận trong tâm của chúng ta.
Do vậy cô này cần sám hối để được xóa tội từ lỗi do cô đã gây ra. Nếu nói với cô là hãy quên lỗi ấy đi và tiếp tục cuộc sống thường ngày thì sẽ không có hiệu quả. Nên tôi đã đề nghị cô làm việc cho một trạm y tế địa phương để săn sóc những người bị tai nạn giao thông. Tôi nghĩ công việc bận rộn ở đó sẽ giúp làm vơi đi phần nào cảm nghĩ tội lỗi của cô. Và, ở đó sẽ giúp cô sẽ được “giúp đỡ” bởi những người mà cô đang giúp – một sự thật thường thấy xảy ra trong các công tác thiện nguyện.