Trưng Dẫn Sự Tích – Trời Giúp Đạo Nho Hưng Khởi

Đế Quân kể rằng: Ta dạo chơi trong chốn nhân gian, đến vùng Hội Kê, Sơn Âm,[i] nhìn thấy một người ở ẩn,[ii] khoảng ngoài năm mươi tuổi, đang thắp hương khấn trời cầu sinh con nối dõi. Khi ấy là giữa mùa xuân, nhằm lúc giữa đêm, tinh tú sáng rực, sao Trương Túc chiếu sáng trên cao, mà người ở ẩn này tình cờ lại mang họ Trương, nên ta hạ sinh vào nhà ấy.

Nơi thôn xóm ta hạ sinh, dân chúng thường cắt tóc xăm mình, vốn theo tập tục thời chưa khai hóa. Ta đến tuổi mười lăm, trong lòng hết sức không vui, liền tìm mũ đội, dép mang, tự mình học làm theo lễ nghĩa văn minh.[iii] Người trong làng thấy ta như vậy đều cho là khác lạ, nhưng lâu dần rồi thì số người học làm theo giống như ta ngày càng nhiều hơn, mười phần có đến bảy, tám.

Ngày kia, có một cụ già đến xin gặp cha ta, miệng tụng đọc nhiều lời giáo huấn của Đường Ngu,[iv] lại nói rằng: “Trong nước hiện nay có vị sứ giả truyền bá những văn chương này.” Ta thích lắm, theo cụ ấy mà học, chỉ nghe đọc qua liền ghi nhớ không hề bỏ sót. Từ đó, lại có nhiều người nguyện theo cầu học, nên ta trở thành bậc thầy.

[i] Nay là vùng Triết Giang, Thiệu Hưng.

[ii] Tức sau là thân phụ Đế Quân. (Chú giải của soạn giả)

[iii] Mũ áo của nhà Nho bắt đầu do đây mà có. (Chú giải của soạn giả)

[iv] Tức thiên Cố mệnh do Chu Thành Vương trước tác, nằm trong phần Chu thư của Kinh Thư.

Lời bàn

Đức Khổng tử ra đời, ấy là mẹ ngài từng cầu đảo tại Ni Sơn; Đế Quân ra đời, ấy là cha ngài đã khấn nguyện với trời cao. Bậc thánh nhân ra đời, thảy đều khác hẳn kẻ tầm thường. Đức Khổng tử khua vang mõ gỗ[i] vào thời triều Chu suy yếu, nhưng hiển bày những lời sâu xa vi diệu đến tận muôn đời; Đế Quân phô bày văn chương đạo lý lễ nghĩa lúc triều Chu đang hưng thịnh, mà ngấm ngầm ảnh hưởng đến chuyện thiện ác tốt xấu của ngàn năm sau. Đó chẳng phải là sự khác biệt trong phương tiện giáo hóa nhưng cuối cùng vẫn đưa đến một mục đích chung là làm cho thiên hạ được tốt đẹp hơn đó sao?

[i] Chỉ việc đức Khổng tử tích cực truyền dạy đạo lý nhân nghĩa, lại đi khắp thiên hạ cảnh tỉnh thiên hạ lúc ấy đang loạn lạc. Ngày xưa dùng tiếng mõ gỗ đánh lên như một cách để gợi sự chú ý của nhiều người.