Asanga

● Vô Trước (Asanga): Bồ-tát Vô Trước là người nước Kiền-đà-la (Gandhara), miền Tây Bắc Ấn-độ, sống vào khoảng cuối thế kỉ thứ 4 đầu thế kỉ thứ 5 TL, là vị đã sáng lập ra phái Du Già Hành thuộc Phật giáo đại thừa ở Ấn-độ. Theo Bà Tẩu Bàn Đậu Pháp Sư Truyện ghi chép, tại kinh thành Bố-lộ-sa-bố-la (Purusa-pura) của nước Kiền-đà-la vào thuở đó, có vị quốc sư họ Kiều-thi-ca (Kausika) thuộc dòng Bà-la-môn, có ba người con trai đều đặt tên là Bà Tẩu Bàn Đậu (Vasubandhu – dịch ra Hán ngữ là Thiên Thân, hay Thế Thân). Người con út, tức Bà Tẩu Bàn Đậu đệ tam, xuất gia theo Hữu bộ, chứng quả A-la-hán, lấy tên riêng là Tỉ Lân Trì Bạt Bà (Virincivaisa). Anh kế của Tỉ Lân Trì Bạt Bà là Bà Tẩu Bàn Đậu đệ nhị (tức Thế Thân). Vô Trước là anh cả, tức Bà Tẩu Bàn Đậu đệ nhất. Ngài là người vốn có căn tánh Bồ- tát, nhưng lúc đầu cũng xuất gia theo Hữu bộ, do tu định mà chứng quả Li dục; nhân vì tư duy về giáo nghĩa “không” mà không thâm nhập được, nên muốn tự sát. Bấy giờ có A-la-hán Tân Đầu La (Pindola) từ Đông Thắng-thân châu (Videha) đến kịp lúc, giảng giải cho ngài về pháp môn “không quán” của tiểu thừa. Ngài vừa nghe liền chứng nhập được giáo nghĩa này; tuy vậy, ngài vẫn chưa thấy vừa ý. Theo truyền thuyết, ngài bèn vận dụng thần lực, lên cung trời Đâu-suất để thỉnh vấn đức Bồ-tát Di Lặc (Maitreya). Đức Bồ-tát đã giảng giải cho ngài về pháp “không quán” của đại thừa. Ngài trở về trú xứ, y theo lời dạy của đức Di Lặc mà tư duy quán chiếu, liền chứng ngộ giáo nghĩa “không” của đại thừa, bèn tự lấy biệt danh là A Tăng Già (Asanga – tức là Vô Trước, hay Vô Chướng Ngại), chọn nước A-du-xà (Ayodhya) ở vùng Trung Ấn để làm căn cứ hành đạo. (Nước A-du-xà lúc bấy giờ là trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế của Ấn-độ, mà cũng là trung tâm hoạt động của Phật giáo đại thừa.)

Và cũng theo truyền thuyết, sau đó ngài còn thỉnh đức Di Lặc giáng thế (tại một ngôi giảng đường lớn ở nước A-du-xà) để tiếp tục giảng nói cho ngài các giáo nghĩa sâu xa của kinh luận đại thừa, như Thập Thất Địa Kinh, Du Già Sư Địa Luận, Phân Biệt Du Già Luận, Đại Thừa Trang Nghiêm Kinh Luận, Biện Trung Biên Luận.

(Theo truyền thuyết là như vậy, nhưng các học giả Phật giáo ngày nay đều tin rằng, Bồ-tát Di Lặc là một vị đại luận sư của Phật giáo đại thừa Ấn-độ, xuất hiện khoảng 900 năm sau ngày Phật nhập diệt. Đó là bậc thầy lỗi lạc của Bồ-tát Vô Trước; và rất có thể, vì quá kính trọng bậc thầy của mình mà Bồ-tát Vô Trước đã tôn gọi ngài với danh xưng Di Lặc, coi ngài như là hóa thân của đức Di Lặc, vị “Bồ-tát bổ xứ” hiện ngự trên cung trời Đâu-suất. Và vì đại luận sư Di Lặc lập đạo tràng rộng lớn tại nước A-du-xà, cho nên ngài Vô Trước cũng đến đây cư ngụ để được trực tiếp học đạo với thầy mình, rồi kế thế thầy hoằng dương giáo pháp đại thừa.)

Truyền thuyết trên cũng nói rằng, tại đạo tràng A-du-xà, đức Di Lặc đã trực tiếp truyền giảng giáo pháp cho ngài Vô Trước; và do có định lực thâm sâu, ngài Vô Trước đã thông hiểu trọn vẹn và nhớ kĩ tất cả những gì thầy đã trao truyền, rồi lại đem những giáo pháp ấy truyền giảng lại cho mọi người. Từ đó mà pháp môn Du Già của Phật giáo đại thừa được truyền bá khắp bốn phương. Ngài cũng hết sức tuyên dương môn học Pháp Tướng của Phật giáo đại thừa, và soạn luận, sớ để giải thích các kinh điển đại thừa. Cuối đời, ngài đã trở về quê nhà để tĩnh cư, và viên tịch năm 75 tuổi. Ngoài những tác phẩm do ngài chép lại từ lời khẩu truyền của Bồ-tát Di Lặc như vừa nêu trên, ngài còn trước tác các bộ luận như Kim Cang Bát Nhã Luận, Thuận Trung Luận, Nhiếp Đại Thừa Luận, Hiển Dương Thánh Giáo Luận, Đại Thừa A Tì Đạt Ma Tập Luận

This entry was posted in . Bookmark the permalink.