● Phạn Ngữ Avidyà. Là cách gọi khác của phiền não. Ý là tri kiến (nhận thức) không đúng như thật, tức mê muội sự vật, cái trạng thái tinh thần không thông đạt chơn lý với không hay sáng tỏ lý giải sự tướng hoặc đạo lý. Cũng tức không thấu, không hiểu, không rõ, mà lấy ngu si làm tự tướng của mình. Phiếm chỉ cho vô trí, ngu muội, đặc biệt chỉ cho nhận thức thế gian không hiểu đạo lý của Phật dạy. Vô Minh là một trong mười hai nhân duyên. Đến địa vị Phật mới hết vô minh, sanh giác ngộ. Vô minh theo Phật Giáo là chẳng rõ biết xấu hổ; ngoài ra cũng còn nghĩa khác là nguyên nhân của thế giới bị vây bủa bởi khổ đau. Có 2: căn bản vô minh và chi mạt vô minh. Tạp A-hàm, kinh 750, Vô Minh: “Tỳ-kheo, các pháp ác bất thiện sanh khởi, tất cả đều do vô minh làm gốc, vô minh tập, vô minh sanh, vô minh khởi. Vì sao? Vì vô minh là vô tri, không biết như thật đối với pháp thiện, pháp bất thiện; không biết như thật có tội, không có tội, pháp thấp, pháp cao, nhiễm ô, không nhiễm ô, phân biệt, không phân biệt, duyên khởi, không duyên khởi. Vì không biết như thật nên khởi lên tà kiến; khi đã khởi tà kiến rồi, thì có khả năng khởi lên tà chí, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà phương tiện, tà niệm, tà định”. (Thích Đức Thắng dịch)
● Là quên, không biết CHƠN-TÂM của mình. Trong kinh Lăng-Nghiêm Phật dạy : “Tri Kiến Lập Tri tức vô minh bổn”. Nghĩa là: Từ “tánh biết” không có chủ-thể và đối-tượng mà lập ra cái “biết” có chủ-thể và đối-tượng, rồi 6 căn vướng mắc vào 6 trần sanh ra chê khen thương ghét, đó chính là gốc của “vô minh”. Do vô minh nên thấy có đối-đãi, phân biệt. Do vô minh nên vạn vật vô thường mà ta cho là thường, vô ngã mà ta cho là có ngã; dục lạc ở thế gian là khổ mà ta cho là vui. Do vô minh nên quên hết các kiếp trước, không biết nhân quả luân hồi. Tiếng Pali ‘avijja-paccaya samkhara’ có nghĩa là ‘vô-minh duyên-sanh ra hành’.