Hỏi : Tự lực và tha lực ý nghĩa như thế nào ?
Đáp : Tự lự giống như đứa bé mới ba tuổi, nhà các kinh thành xa ngàn dặm mà bảo đứa bé ấy tự đến kinh thành cầu quan chức. Như thế làm sao đến được ! Tại sao ? Vì còn trẻ nhỏ. Sự tu hành của các môn khác cũng như thế, cần phải nhiều kiếp tu tập mới thành tựu. Giống như đứa bé dùng tự lực đi đến kinh thành thì không thể đến được, bởi vì tự lực.
Nói về tha lực, giống như đứa trẻ tuy nhỏ, nhưng nương vào sức lực cha mẹ và voi, ngựa, xe cộ, không bao lâu đến kinh thành, bèn được quan chức. Tại sao ? Vì do tha lực. Tu hành niệm Phật cũng như thế, lúc sắp mạng chung nương nguyện lực của Phật A Di Đà, chỉ trong khoảnh khắc vãng sinh Tây Phương, được vào bậc Bất thối. Giống như cha mẹ đem voi, ngựa, xe cộ chở trẻ con, không bao lâu đến kinh thành tìm được quan chức.
Vả lại, tự lực giống như người nghèo, dùng sức tuy nhiều mà được tiền rất ít. Các môn tu hành khác cũng như thế, dùng sức rất nhiều nhưng công đức rất ít. Giống như đi làm thuê cho nhà người nghèo không khác.
Tha lực giống như làm thuê cho vương gia, dùng sức rất ít được tiền vô số. Tại sao ? Vì nương vào sức mạnh của vương gia. Niệm Phật cũng như thế, vì nương nơi nguyện lực của Phật, dụng công rất ít, công đức vô biên. Một ngày cho đến bảy ngày chuyên tâm niệm Phật, mau được vãng sinh Tịnh độ, sớm chứng đắc đạo Giác ngộ Vô thượng, giống như đi làm thuê cho vương gia không khác.
Hơn nữa, tha lực giống như con kiến bám trên cánh đại bàng, đại bàng liền đem kiến để trên núi Tu Di. Kiến được lên cao, thọ hưởng những điều thích thú. Phàm phu niệm Phật cũng như thế, nương vào nguyện lực của Phật mau được sinh sinh về Tây Phương, thọ hưởng sự vui thích, giống như con kiến nương sức mạnh của đại bàng mà được lên núi. Đây là tha lực.
Các môn tu hành khác giống như con kiến dùng tự lực bò lên núi, chẳng thể tới được. Đây là tự lực.
Tự lức giống như tôm tép, tha lực giống như rồng. Có những tôm tép ngậm vào vảy rồng, rồng mang tôm tép mau chóng vào biển cả. Do chúng sinh niệm Phật nên đem chúng sinh mau chóng đến Tây Phương.
Vả lại, tự lực cũng giống như kẻ phàm phu bị què không thể đi mau. Tha lực giống như Chuyển Luân Vương bay trên hư không, qua lại khắp tứ thiện hạ, vì nương vào sức mạnh của bánh xe báu. Nương vào nguyện lực của Phật cũng như thế, trong một khoảng khắc liền được vãng sinh Tây Phương vào bậc Bất thối.
Các môn tu hành khác giống như đi bộ trên đất bằng; tu hành niệm Phật giống như ngồi trên thuyền lướt trên sông nước, đi nhanh vượt xa không chướng ngại. Niệm Phật vãng sinh cũng như thế, dụng công rất ít mà sớm chứng ngộ Bồ-đề.
Pháp môn niệm Phật do nương vào sức mạnh bản nguyện của Phật A Di Đà nên mau chóng thành Phật, vượt qua các môn khác gấp trăm ngàn vạn lần.