XIN CHO BIẾT VỀ SINH HOẠT PHẬT GIÁO Ở GIA ĐỊNH THẾ KỶ XVIII – XIX

Buổi đầu đến vùng đất Gia Định, các tăng sĩ tự vào rừng chặt cây, bện lá, dựng am tranh để tu hành. Chuông mõ được tu sĩ mang theo từ miền Trung vào, tự vẽ tượng Phật để thờ tự. Sau thời gian dựng chùa vào giữa thế k XVIII, chùa Từ Ân và Khải Tường trở thành hai ngôi chùa lớn có mặt sớm ở đất Gia Định. Ngoài ra còn có chùa công và chùa dân lập. Chùa công do các Chúa và quan quân quyên tiền xây cất. Chùa dân lập do tư nhân xây dựng hoặc “cải gia vi tự” (biến nhà thành chùa). Chúa Nguyễn Phước Châu đã thọ Bồ tát giới.

Hoạt động tín ngưỡng, nghi lễ bên trong các chùa lớn ở Gia Định như Giác Lâm, Kim Chương, Từ Ân, Khải Tường… đều do chư tăng tổ chức, thực hiện. Đời sống cư dân Gia Định lúc bấy giờ đã tương đối sung túc. Các buổi đại lễ như trường hương (an cư kiết hạ) và trường kỳ (truyền và thọ giới) đã được tổ chức từ giữa thế k XIX (1844). Trung tâm đào tạo các thầy cúng đám cũng được mở ra tại chùa Giác Viên vào năm 1850, đáp ứng nhu cầu cầu an và cầu siêu của Phật tử Gia Định. Đồng thời trong các buổi cúng cầu an, cầu siêu ở các tỉnh, cũng mời nhiều tăng sĩ Gia Định tham gia.

Nếu như trung tâm Giác Viên đào tạo ứng phú sư, thì tại chùa Giác Lâm, Phật học viện đã được thành lập từ thế k XVIII (1774). Các kinh sách chữ Hán lần lượt được in ấn, trùng khắc trên bản gỗ và tạng bản tại hai chùa này, góp phần phục vụ cho nhu cầu tu học ngày càng được mở rộng. Ngoài các buổi đại lễ diễn ra trong năm, mỗi ngày các buổi cúng tuần, cúng thất, kỵ giỗ của tăng sĩ Phật tử cũng được đều đặn tiến hành, mang lại một không khí sinh hoạt Phật giáo mới mẻ ở Gia Định.