Cái hại của lãng mạn là khi sự tưởng tượng không còn nữa, nỗi thất vọng sẽ dày vò bạn. Trong tình yêu lãng mạn, bạn không thật sự yêu người của bạn mà bạn chỉ yêu cái mà bạn tưởng tượng về người yêu của bạn. Trong thời kỳ yêu thương, tình yêu ấy chỉ là sự say mê – “cái phê” tạo nên bởi sự hiện diện do ta cảm nhận, và như mọi cái phê, “cái phê yêu đương” cũng sẽ chấm dứt sau một thời gian. Vì thế cho nên Ajahn Chah mới tếu bảo người sadi Mỹ xin bạn mình cho một chai phân để diệt trừ cái nhớ nhung của anh.
Chơn tình yêu là tình thương vị tha, tức cho người khác. Trong chơn tình yêu, chúng ta luôn nói rằng: “Cửa tâm tôi lúc nào cũng rộng mở đối với bạn, dầu bạn làm gì cũng mặc” và bạn thật sự tin như vậy. Bạn luôn luôn muốn người bạn thương hạnh phúc. Chơn tình yêu thường hiếm hoi lắm.
Nhiều người chúng ta nghĩ rằng mối liên hệ đặc biệt là chơn tình yêu chớ không phải mối tình lãng mạn. Đây là một cách thử nghiệm xin hiến bạn thử xem sao.
Hãy nghĩ tới một người bạn yêu. Hình dung nàng trong tâm bạn. Nhớ lại lúc ban đầu gặp gỡ và thời gian bạn sống tuyệt vời với cô nàng. Bây giờ bạn thử tưởng tượng nhận được bức thư nói rằng nàng đã sang thuyền khác với người bạn rất thân của bạn.
Nếu chơn tình yêu, bạn sẽ vui mừng giùm cho nàng vì nàng hạnh phúc với người mới đó hơn với bạn. Bạn sẽ hân hoan thấy hai người bạn thân thiết của bạn giờ đây vui vầy với nhau. Bạn sẽ sung sướng biết họ đang hạnh phúc. Hạnh phúc của bạn có phải là quan trọng trong tình yêu thương chân thật của bạn không?
Chơn tình yêu rất hiếm.
Một hoàng hậu nhìn qua cửa sổ thấy Đức Phật đi khất thực. Nhà vua hờn ghen với tình yêu chân thật bà dành cho vị Đại sư. Ông cho gọi bà và hỏi bà yêu ai nhất, nhà vua hay nhà sư? Là một Phật tử thuần thành nhưng cũng là hoàng hậu đoan chánh, bà rất cẩn thận trong lời ăn tiếng nói. Để khỏi bị rơi đầu, bà thành thật tâu:
“Thưa đại vương, không có ai khác thân ái với thiếp hơn là tự ngã của thiếp” (Đó là lời của Hoàng Hậu Mallika tâu lên vua Pasenadi. Xem Tương Ưng Kosala, số 8, Tương Ưng Bộ Kinh, và Kinh Phật Tự Thuyết, chương 5, kinh số 1. Bản dịch của HT. Thích Minh Châu, 1993)