Đời sống của sư trẻ ở Thái Lan xem chừng như không có gì có thể là công bằng hết. Sư lớn được ăn ngon, ngồi trên tọa cụ mềm và không phải đẩy xe bồ ệch (Âm của tiếng pháp Brouette, tức xe cút kít để chuyển đất, cây, cành, gạch, ngói v.v…). còn sư trẻ như tôi ăn những thứ chán phèo, dầu biết rằng bữa ăn ấy duy nhất trong ngày. Tôi ngồi hàng giờ dự lễ dưới sàn xi măng không phẳng phiu (vì dân quê làm gì biết cách tráng xi măng). Nhiều lúc tôi còn phải làm việc vất vả nữa. Buồn cho tôi, vui cho họ!
Tôi bỏ nhiều thì giờ lý luận nhưng rồi cũng không đến đâu, chỉ đến sự than thân trách phận. Sư lớn đã ít nhiều giác ngộ rồi thì đâu còn bận tâm tới món ngon vật lạ; sư trẻ chúng tôi mới cần ăn ngon. Sư lớn đã quen ngồi trên sàn cứng rồi, họ nên nhường gối mền cho chúng tôi. Hơn thế nữa sư lớn nào cũng mập lù, họ có “gối mỡ thiên nhiên” rồi. Sư lớn cứ bảo chúng tôi cố gắng làm việc cho họ chẳng động tới móng tay. Vậy làm sao họ biết cái nóng của nắng hay cái mệt của sự đẩy xe nặng? Vả lại mọi chương trình đều do họ hoạch định, họ phải ra tay chớ! Buồn cho tôi, vui cho họ!
Lúc tôi lên hàng sư lớn, tôi ăn ngon, ngồi trên gối mềm và ít khi làm lụng vất vả. Nhưng tôi lại thích đời sống sư trẻ. Tôi nghe tôi tự nói với mình rằng: “Tôi khỏi phải thuyết pháp cho đại chúng, phải giải quyết vấn đề của người khác, khỏi phải lo việc hành chánh nhức đầu.” Buồn cho tôi, vui cho họ!
Tôi nhận thức rằng sư trẻ có cái khổ của sư trẻ, sư lớn có cái khổ của sư lớn. Từ sư trẻ lên sư lớn tôi chỉ đổi từ cái khổ này qua cái khổ khác.
Cũng vậy, người độc thân mong được như người có gia đình và người có gia đình muốn được làm người độc thân. Giờ đây các bạn chắc đã hiểu rằng khi lập gia đình các bạn chỉ đổi “cái khổ của người độc thân” qua “cái khổ của người có gia đình”. Rồi khi bạn nào ly dị, bạn ấy chỉ đổi từ “cái khổ của người có gia đình” qua “cái khổ của người ly dị”.
Lúc nghèo chúng ta mong được giàu. Nhưng có nhiều người giàu muốn trở lại thời nghèo, lúc họ vui cái vui chân thật giữa bạn bè hay hưởng thú tự do muốn đi đâu thì đi (không sợ ai bắt cóc đòi chuộc mạng hoặc cà rà theo xin tiền). Họ chuyển từ “cái khổ của người nghèo” qua “cái khổ của người giàu”. Người về hưu bị bắt giảm lợi tức, họ chuyển từ “cái khổ của người giàu” qua “cái khổ của người nghèo” và câu chuyện “Buồn tôi, vui họ!” kéo dài bất tận.
Nghĩ rằng mình sẽ hạnh phúc khi được cái này hay cái khác là ảo tưởng. “Trở thành” là một hình thức chuyển đổi từ cái khổ này qua cái khổ khác mà thôi. Chỉ khi nào chúng ta mãn nguyện với cái mình hiện có, chúng ta mới thật sự hạnh phúc. Và chừng đó mới “Vui ta, buồn họ!”