Cúng Dường Thanh Tịnh

HỎI:

Tôi có điều băn khoăn về một trường hợp là khi nhà chùa thông báo kêu gọi Phật tử thập phương cúng dường để chung lo cho một Phật sự, cụ thể như tạo tượng, hay đúc chuông, hoặc ấn tống kinh sách v.v…, sau một thời gian Phật tử đã cúng đủ số tiền làm tượng hay đúc chuông rồi nhưng có người đến cúng thêm thì nhà chùa vẫn nhận, không biết như vậy có đúng không? Mặt khác, tôi nghĩ rằng khi Phật tử đã phát tâm tạo tượng, đúc chuông, ấn tống kinh… thì nhà chùa phải làm đúng như tâm nguyện của thí chủ, nếu muốn sử dụng số tịnh tài ấy làm Phật sự khác thì phải hỏi qua ý kiến của Phật tử mới đúng. Tôi vẫn biết rằng đã cúng dường Tam bảo thì nhà chùa có thể sử dụng vào các việc khác nhau miễn là Phật sự nhưng tôi vẫn chưa thông suốt để chấp nhận việc làm này. Xin quý Báo giải thích cho tôi được rõ để tâm của tôi không còn phân vân khi cúng dường.

(ĐĂNG NGUYÊN, thai@decofi.vn)

ĐÁP:

Bạn Đăng Nguyên thân mến!

Khi Phật tử, thí chủ cúng chùa hay cúng dường Tam bảo nói chung thì nhà chùa tùy nghi sử dụng số tịnh tài đó cho nhiều Phật sự khác nhau để phụng sự Tam bảo. Nhưng trong trường hợp Phật tử cúng dường với tâm nguyện để làm một Phật sự riêng biệt nào đó như tạo tượng, đúc chuông, ấn tống kinh… thì theo nguyên tắc, nhà chùa chỉ sử dụng số tịnh tài ấy cho Phật sự đó mà thôi. Đơn cử như nhà chùa kêu gọi, vận động Phật tử thập phương phát tâm chung lo Phật sự đúc đại hồng chung, thí chủ đến phát tâm cúng dường đúc chuông thì không đem số tịnh tài ấy làm các Phật sự khác như xây chùa hay ấn tống kinh sách. Một khi đã đủ kinh phí cho Phật sự đúc đại hồng chung rồi mà Phật tử vẫn tiếp tục cúng dường với tâm nguyện đúc chuông thì nhà chùa nên nói rõ, hướng dẫn thí chủ cúng dường vào Tam bảo hay các Phật sự khác. Nhà chùa cần hết sức tường minh về vấn đề này để trợ duyên cho thí chủ giữ vững tín tâm.

Nói theo nguyên tắc là như vậy, tuy nhiên trong thực tế thì việc thực thi Phật sự không thể cứng nhắc mà luôn uyển chuyển linh động. Theo lý duyên sinh thì trong Phật sự riêng có mặt Phật sự chung và ngược lại nên sự điều phối tịnh tài để duy trì và phát triển ổn định ngôi chùa hay Tam bảo nói chung là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, sự điều phối này chỉphương tiện tạm thời tùy duyên nhằm cân đối tài chính để chung lo Phật sự tổng thể được tốt hơn, hoàn toàn không có nghĩa là nhà chùa tùy tiện sử dụng tịnh tài theo ý riêng của mình, trái ngược với tâm nguyện của thí chủ.

Như vậy, khi Phật tử cúng dường cho một Phật sự cụ thể như tạo tượng chẳng hạn thì nên suy nghĩ, quán niệm rằng sự cúng dường tịnh tài này ngoài việc tạo tượng nói riêng còn mang ý nghĩa phụng sự Tam bảo nói chung. Đồng thời, nhà chùa nhận sự h cúng của Phật tử cũng luôn quán niệm rằng tuy thực thi các Phật sự cũng đều là phụng sự Tam bảo nhưng rất cần sự rõ ràng, độc lập nơi những Phật sự cụ thể để Phật tử cúng dường được như nguyện.

Nếu người h cúng và người đại diện Tam bảo nhận sự h cúng để chung lo Phật sự đều có quán niệm như vậy thì mọi việc sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn và hạnh nguyện phụng sự Tam bảo sẽ viên thành.

Chúc bạn tinh tấn!

Nguồn: giacngo.vn