Hương thơm của hoa không thể bay ngược chiều gió. trầm hương cũng vậy, gỗ tagara và hoa lài cũng thế, nhưng hương thơm của giới đức bay ngược chiều gió. Danh thơm của người giới đức bay khắp các nơi
Chúng ta được nghe rằng sau khi hành thiền vào một buổi chiều, ý nghĩ sau đây phát sinh đến Đức Ānanda (A Nan): “Ðức Thế Tôn có đủ ba loại hương tốt nhất trên thế gian. Ðó là hương của gỗ trầm, hương của các loài rễ cây, và hương của các loài hoa. Tuy nhiên, các loại hương nầy chỉ bay theo chiều gió, gió phất về hướng nào thì mùi thơm bay về hướng đó, người đứng trên gió thì không cảm nhận được mùi. Vậy có chăng một thể chất mà mùi thơm bay ngược chiều gió. hay có chăng một thể chất mà mùi thơm vừa bay theo, vừa bay ngược chiều gió?”
Rồi Ngài tiếp tục nghĩ như sau, “Ta sẽ bạch hỏi Ðức Thế Tôn. Ngài sẽ giải đáp thỏa đáng“. Nghĩ như vậy Ngài đến hầu Phật và nêu lên câu hỏi.
Do đó có tích chuyện sau đây:
Lúc bấy giờ, vào một buổi chiều, Ðức Ānanda xuất thiền, đến gần nơi Ðức Phật ngự và bạch hỏi Ngài, “Bạch Hóa Dức Thế Tôn, có ba thể chất mà mùi thơm bay theo chiều gió, không thể bay ngược chiều. Ðó là thể chất gì? Hương của các rễ cây, hương của gỗ trầm, và hương của hoa. Bạch Hóa Ðức Thế Tôn, đó là thể chất mà mùi thơm có thể bay theo chiều mà không thể bay ngược chiều gió. Nhưng, Bạch Hóa Ðức Thế Tôn, có chăng một thể chất mà hương thơm có thể bay ngược chiều gió, hay có chăng một thể chất mà mùi thơm có thể vừa bay theo, vừa bay ngược chiều gió?”
– Này Ānanda, có một thể chất mà hương thơm bay theo chiều gió, có một thể chất mà hương thơm vừa bay theo chiều gió vừa bay ngược chiều.
— Bạch Hóa Ðức Thế Tôn, thể chất nào bay theo chiều gió và thể chất nào vừa bay theo, vừa bay ngược chiều gió?
— Này Ānanda, nếu trong một xóm làng hay trong một thành phố mà có người kia, nam hay nữ, quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Nếu người ấy tránh xa những hành động sát sinh, những hành động trộm cắp, những hành động tà dâm, những hành động giả dối vá những lúc dùng các chất say. Nếu người ấy có đời sống đạo hạnh, nếu người ấy sống đúng theo chính mạng, sống với tâm bố thí trong sạch, nếu người ấy quảng đại rộng rãi, nếu người ấy sống một cách cởi mở, nếu người ấy tìm thỏa thích trong sự cúng dường những bậc khả kính, thì bất luận ở nơi nào trên thế gian, tất cả những vị tỳ khưu, tất cả những vị bà la môn, đều tán dương người ấy.
Nếu trong một xóm làng hay trong một thành phố có người kia, nam hay nữ, quy y Phật v.v… nếu người ấy tìm thỏa thích trong sự cúng dường những bậc khả kính, những hành động như thế ấy, nầy Ānanda, là thể chất mà hương thơm vừa bay theo vừa bay ngược chiều gió.
Dạy xong Ðức Phật đọc lên câu kệ như sau:
– “Hương thơm của hoa không thể bay ngược chiều gió. trầm hương cũng vậy, gỗ tagara và hoa lài cũng thế, nhưng hương thơm của giới đức bay ngược chiều gió. Danh thơm của người giới đức bay khắp các nơi”. (Kinh Pháp Cú, câu 54)
– “Gỗ trầm, gỗ tagara, hoa sen, hoa lài – trên tất cả những loại hoa ấy, hương thơm của giới đức còn hơn nhiều” (Kinh Pháp Cú, câu 55)
Comments are closed.