An Sĩ Toàn Thư – Quyển Một – Đền Trả Nghiệp Ác

Huyện Gia Hưng [thuộc tỉnh Chiết Giang] có một bà lão sống nhờ vào đứa con trai làm nghề bắt cua. Mỗi ngày anh ta đều bắt cua, dùng dây cỏ buộc lại rồi mang đi bán, lấy tiền ấy mua gạo, củi… các thứ về nuôi dưỡng mẹ.

Một hôm, bà lão có bệnh, bỗng lấy những sợi dây cỏ dài nuốt dần vào bụng. Nuốt hết vào rồi lại nắm lấy từng sợi, từng sợi lôi trở ra. Lôi ra hết lại nuốt trở vào, rồi lại lôi trở ra, cứ vậy mà làm mãi, khiến cho máu từ trong ruột cứ trào ra ngoài miệng. Bà lão lại nói: “Tôi nhận sự nuôi dưỡng bằng đồng tiền tạo ra bởi nghiệp ác của con trai, nên nay phải chịu quả báo như thế này. Nếu không như thế này, ngược lại e rằng còn phải chịu thống khổ nhiều hơn.”

Người đến xem rất đông, trải qua suốt nhiều ngày như vậy rồi bà lão mới chết.

LỜI BÀN

Thuở xưa, khi đức Thế Tôn đang ở thành Vương Xá, nhìn thấy một con cá lớn có nhiều đầu, mỗi đầu đều khác biệt nhau, bị mắc vào trong lưới. Đức Thế Tôn thấy vậy liền nhập Tam-muộikhởi tâm từ rồi cất tiếng gọi cá. Cá lập tức lên tiếng đáp. Đức Thế Tôn hỏi nó: “Mẹ của ngươi hiện giờ ở đâu?” Cá đáp: “Mẹ của con hiện đọa làm con trùng trong hố xí.” Đức Phật liền dạy các tỳ-kheo rằng: “Con cá lớn ấy vào thời đức Phật Ca-diếp vốn là một vị tỳ-kheo tinh thông Tam tạng kinh điển. Do tạo nghiệp ác khẩu nên phải chịu quả báo dị dạng, một thân có nhiều đầu. Người mẹ của tỳ-kheo ấy nhận sự nuôi dưỡng của ông ta, do nghiệp duyên ấy nên nay phải làm con trùng trong hố xí.”

Quán xét việc ấy ắt phải thấy rằng, việc dùng đồng tiền tạo ra bởi nghiệp xấu ác để nuôi dưỡng cha mẹ đã không phải việc người con hiếu nên làm, huống chi lại quen theo thói tục mà giết hại vật mạng dâng lên cha mẹ?

Nguồn: thuvienhoasen.org