Hòa thượng Brahmakesara (Phạm Trang), thế danh là Oul Srey, sinh ngày Rằm tháng 4 năm Canh Tuất (1910), nhằm Phật lịch 2453 tại làng On Đôn Pô, huyện Rô Mex Heik, tỉnh Svai Riêng, nước Cao Miên.
Thân phụ Ngài là cụ ông Phôk Oul, thân mẫu là cụ bà Dey Pou, Ngài là con thứ hai trong một gia đình có bảy người con.
Thuở nhỏ, Ngài sống với gia đình. Năm 13 tuổi (1922), cha mẹ Ngài cho đi học ở chùa On Đôn Pô với Hòa thượng trụ trì RôsKhuôl. Trong thời gian theo học, Ngài luôn ngoan ngoản, siêng năng, học tập chăm chỉ, siêng năng, giỏi dắn, nên rất được Hòa thượng RôsKhuôl yêu mến.
Năm 1926, Ngài phát tâm muốn xuất gia đầu Phật, song thân Ngài rất hoan hỉ. Ông bà đưa Ngài đến chùa On Đôn Pô, thỉnh Hòa thượng Suddhammappanno – Lâc Som làm Thầy tế độ. Sau khi xuất gia, thọ giới Sa di, Ngài luôn nghiêm trì giới luật, tinh tấn tu học để xứng đáng là đệ tử Phật.
Năm 1930, ngày Rằm tháng 4 – Phật lịch 2474, Ngài thọ giới Cụ túc tại giới đàn chùa On Đôn Pô. Hòa thượng Suddhammappanno – Lâc Som (Thiện Pháp Trí – Lâc Som) làm Thầy tế độ, Thượng tọa Candatthero-Rum Su (Nguyệt Viên Rum Su) làm Thầy Giáo thọ, Thượng tọa Dhammaràmo-Tia Ton (Pháp Hỷ Tia Ton) làm Thầy Yết ma. Và trong đàn giới, Ngài được Thầy tế độ cho pháp danh là Brahmakesara (Phạm Trang).
Thọ đại giới xong, Ngài tiếp tục tu học giáo lý tại chùa với Bổn sư được hai Hạ. Đến Hạ thứ ba, thứ tư, Ngài xin phép Bổn sư đến thọ học giáo lý tại chùa Khsam, thuộc tỉnh Kom-Poong-Chnăng. Hạ thứ năm, thứ sáu, thứ bảy, Ngài đến chùa Kom-Poong-Siêm thọ học pháp môn thiền với Thiền sư Pănh Thai. Hạ thứ tám, Ngài trở về chùa On Đôn Pô và được Hòa thượng Bổn sư giao trách nhiệm hướng dẫn chúng Tăng và Phật tử bổn tự tu học thiền.
Năm 1944, Ngài xin phép Hòa thượng Bổn sư đến thủ đô Phnom Pênh để tiếp tục trau dồi kiến thức Phật học với Hòa thượng Lâm Em tại chùa Sàràvant Tejo.
Năm 1947, Phật tử Sài Gòn thỉnh Hòa thượng Lâm Em và Ngài cũng một số chư Tăng về dự lễ Chôl Chnăm Thmây ( ). Nhân dịp này, Phật tử ở đây kính trình nguyện vọng lên chư Tăng, mong muốn dựng lập một ngôi chùa theo hệ phái Theravàda ở Sài Gòn, để làm nơi tôn nghiêm thờ phượng Phật, Pháp, Tăng, cũng như có chỗ cho chư Tăng, con em Phật tử Khmer ở các nơi đến dừng chân tu học. Nhận thấy đây là nguyện vọng thiết yếu hợp tình, hợp lý nên Hòa thượng Lâm Em và Ngài nhất trí. Sau đó, hai Ngài cùng một vài vị Sư khác hướng dẫn Phật tử tìm đất dựng chùa.
Cuối cùng, một cái cốc nhỏ được dựng lên bên bờ kênh Nhiêu Lộc, thuộc vùng Tân Định. Nhưng không bao lâu sau, với sự quyết tâm của chư Tăng, cũng như sự trợ duyên tích cực của đồng bào Phật tử, ngôi cốc nhỏ trên bãi đất đầm lầy, đầy ô rô, cỏ dại đó đã hình thành một ngôi chùa uy nghi, đồ sộ, mang đậm kiến trúc văn hóa Khmer. Chùa được đặt tên là Candaransi (Chăn-Ta-Răng-Sây), có nghĩa là ánh sáng trăng (Nguyệt Quang). Ánh trăng soi sáng cho đêm vô minh trần thế mà cũng là ánh trăng soi sáng cho chư Tăng, Phật tử thi công xây dựng không kể ngày đêm, không quản gian lao để hoàn thành ngôi bảo tự.
Năm 1948, sau khi chùa khánh thành, Ngài được chư Tăng và quý Phật tử bầu làm Phó trụ trì. Từ đây, Ngài cùng Hòa thượng Lâm Em ra sức tu tạo và phát triển chùa Chăn-Ta-Răng-Sây ngày càng hưng thịnh, khang trang hơn.
Năm 1963, trong cuộc tranh đấu chống chính sách kỳ thị tôn giáo của chính phủ Ngô Đình Diệm, Ngài cùng Hòa thượng Lâm Em đại diện cho giới Tăng sĩ Phật giáo Khmer đứng chung hàng ngũ đấu tranh của Phật giáo đồ. Ngài 3.6.1963, cùng chung số phận với các chùa bị lệnh phong tỏa, chùa Chăn-Ta-Răng-Sây cũng bị chính quyền Diệm bao vây gắt gao, bởi Hòa thượng Lâm Em tham gia trong Ban cố vấn Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo. Sau cuộc tuyệt thực tại chùa Xá Lợi ngày 15.7.1963, do Ủy ban đề xướng để cầu siêu cho Đại đức Nguyên Hương tự thiêu, Ngài cùng các Tăng sĩ Khmer đã bị bố ráp đàn áp và bắt nhốt rại Rạch Cát 4 ngày.
Năm 1979, Hòa thượng Lâm Em viên tịch, Ngài lên kế vị quyền trụ trì. Trong thời gian này, Ngài góp phần xây dựng chùa chiền, tôn tạo Phật tượng cho nhiều tòng lâm, tự viện khác như : chùa Ka Ôk, chùa Choong Ruk (Tây Ninh), chùa Sa Đo v.v…
Ngày 30 tháng 6 năm 1992, Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh quyết định bổ nhiệm Ngài chính thức trụ trì chùa Chăn-Ta-Răng-Sây.
Mặc dù, Ngài tuổi đã cao, sức khỏe đã kém, nhưng vì lòng thương đạo mến đời, vì sự nghiệp hoằng hóa độ sinh cao cả nên Ngài cố gắng tận dụng thời gian ít ỏi còn lại của mình để hoàn tất Phật sự, kiện toàn liêu xá, trang nghiêm Phật điện, sửa sang khuôn viên chùa, hầu trợ duyên cho chúng Tăng an cư tu học.
Vào lúc 18 giờ 45 phút, ngày 27 tháng 6 năm 1995 (Ất Hợi), Phật lịch 2539, Ngài viên tịch trong nỗi thương tiếc vô hạn của bao môn đồ, pháp quyến. Ngài hưởng thọ 87 tuổi, có 65 Hạ lạp.