Vào thời Minh Hiếu Tông trị vì thiên hạ (1488-1505), có một Thái thú tên là Khổng Dung. Ngày đầu tiên đến nhậm chức Tri phủ Điền Châu, ông đã gặp ngay một vấn đề lớn. Quân đội của ông đã được phái rời khỏi nơi đó để chấp hành nhiệm vụ, Điền Châu lúc ấy trong thành trống không, chẳng có năng lực phòng ngự gì cả. Dân chúng dân tộc Đồng thiểu số vốn đã bất mãn lâu ngày đối với quan viên Điền Châu, từng nhiều lần xung đột với quan phủ. Thừa dịp đó, người dân tộc Đồng cầm hung khí trong tay, khí thế ngút trời đột nhiên tới xâm phạm thành Điền Châu.
Tình huống khẩn cấp, có người đề nghị: mau mau đóng cửa thành, tử thủ; có người đề nghị: nhanh chóng đi mượn binh lực của châu lân cận, truy kích các phần tử phản loạn. Khổng Dung nói: “Trước mắt nơi này là một tòa thành cô lập, hiện nay bên trong rất yếu nhược. Thủ thành không thể giữ được lâu; thỉnh cầu viện binh, nhất thời nước xa khó cứu được lửa gần. Chi bằng ta tự mình đến chiêu dụ bọn họ, có khi bọn họ tự giải tán. Nếu mà được như thế, thì chính là biến can qua thành bạch ngọc vậy”.
Vì vậy Khổng Dung một mình tự mở cửa thành, tiến về phía quân doanh của tộc Đồng. Đối phương nhìn thấy chỉ có một người đang đi tới, nên cũng không ngăn trở gì. Khổng Dung vào tới phòng giữa ngồi xuống. Thủ lĩnh bộ tộc Đồng lớn tiếng xét hỏi Khổng Dung: “Ngươi là ai? Đến đây làm gì?”. Khổng Dung nói: “Ta chính là Thái thú Khổng Dung mới được bổ nhiệm tới nhậm chức nơi đây. Ta biết các người vốn là những người dân thiện lương, chỉ vì bị đói khổ cơ hàn bức bách mới phải tụ tập, liều mạng làm bừa. Các người chịu đói khổ, nhưng viên quan tiền nhiệm ta không thèm quan tâm đến các người, sẵn sàng dùng quân đội tới trấn áp các người bất cứ lúc nào chúng muốn, tưởng chừng muốn truy cùng diệt tận các người. Ta hiện tại phụng mệnh triều đình, đến chăm lo cho mọi người như một vị quan phụ mẫu, ta xem các người như con cháu của mình, tuyệt nhiên sẽ không sát hại các người. Có Đạo lý nào mà cha mẹ lại sát hại con cái hay không? Nếu quả thật các người có thể nghe lời ta nói, ta những tưởng sẽ khoan thứ cho tội của các người. Các người đưa ta trở về châu phủ, ta lấy lương thực cấp phát cho các người. Các người từ nay về sau không cần phải ra ngoài trộm cướp nữa. Nếu các người không nghe lời ta khuyến cáo, có thể giết ta đi. Chỉ là rất nhanh chóng sẽ có quan quân đến hỏi tội, hậu quả thiết tưởng thật là kinh khủng”.
Lúc ấy có rất nhiều người ở bên cạnh, đều nghe được những lời Khổng Dung giảng nói, mọi người đều rất bội phục Khổng Thái thú đảm lược lại có lòng thiện tâm. Thủ lĩnh tộc Đồng nói: “Nếu quả thực ngài có thể quan tâm đến chúng tôi như thế, thì thời mà ngài nhậm chức Thái thú nơi đây, người tộc Đồng chúng tôi thực sự là có phúc! Chúng tôi sẽ tuyệt đối không tái phạm nữa”. Khổng Dung nói: “Ta một lời đã định, xin các người hãy tin tưởng ở thành ý của ta!”. Mọi người nhất tề bái tạ Khổng Dung.
Khổng Dung ở lại nơi này một đêm, cùng bọn họ chuyện trò thân thiết với nhau. Ngày hôm sau trở lại châu thành, đưa cho người dân tộc Đồng rất nhiều lương thực và quần áo. Người dân tộc Đồng cứ mãi cảm tạ rồi rút về. Từ đó về sau, họ an cư lạc nghiệp, rốt cuộc không bao giờ làm những việc quấy nhiễu dân chúng nữa.
Đỗ Phủ có thơ rằng: “Bất quá hành kiệm đức, đạo tặc bổn vương thần”. Quan viên lớn bé, chỉ cần giản dị một chút, không quá phung phí xa xỉ, không quá bóc lột người ta, để cho nhân dân được no ấm, thì người dân không bao giờ coi rẻ sinh mạng bản thân và gia đình mình mà đi trộm cướp. Quan bức dân phản, kẻ làm quan phải nhớ kỹ điều này.
Khổng Dung đối với nhân dân tộc Đồng, biểu hiện phong thái thiện lương thành tín, lập tức được lòng tín nhiệm ủng hộ của họ. Điều ấy chứng tỏ: người dân thường bao giờ cũng thông tình đạt lý, ôn hòa lương thiện. Khổng Dung lần đó xử lý sự việc, tỏ rõ lòng thiện lương, thành tín và dũng khí của mình, khiến kẻ khác hết sức khâm phục. Chỉ có người vô tư mới có thể không e sợ, làm được những việc từ thiện và thành tâm. Thái độ và chính sách đối với các dân tộc anh em đã tỏ rõ Đức hạnh của Khổng Dung.