An Sĩ Toàn Thư – Quyển Ba – Sai Lầm Của Thuyết “Trời Sinh Vật Nuôi Người”

Hỏi: [Sách Thượng thư, thiên Thái thệ nói rằng:] “Trời đất là cha mẹ sinh ra muôn vật. Trong muôn vật thì con người là thiêng liêng nhất, vì thế nên trời mới sinh ra các loài vật, vốn chỉ là để nuôi dưỡng con người.” Nay khuyên người bỏ sự giết hại loài vật, chẳng phải hết sức trái ngược ý trời hay sao?

Đáp: Nếu đã biết trời đất là cha mẹ sinh ra muôn vật, sao không biết rằng muôn vật đều như con đỏ của cha trời, mẹ đất? Trong một bầy con mà đứa mạnh hiếp đứa yếu, đứa sang quý khinh rẻ đứa nghèo hèn, thì bậc làm cha mẹ ắt phải hết sức không vui. Nếu con người ăn thịt muôn loài rồi cho rằng trời sinh ra chúng để nuôi mình, thì các loài hổ báo ăn thịt người, muỗi mòng chích hút máu người, phải chăng cũng sẽ cho rằng trời sinh ra con người là để nuôi dưỡng chúng?

Hỏi: Thế sao trời không cấm hẳn việc người giết hại loài vật?

Đáp: Trời vốn đã có sự ngăn cấm, vì thế mới có những quả báo xấu ác của việc giết hại. Nhưng không thể cấm hết tất cả mọi người, cũng giống như không thể ngăn cấm tất cả các loài hổ báo, muỗi mòng kia vậy.

Hỏi: Nếu chẳng phải trời sinh vật để dưỡng nhân, như vậy ắt những loài như chim, thú, cá, rùa… đều không nên sinh ra. Vì sao ngày nay vẫn thấy chúng sinh sản đầy dẫy khắp nơi như vậy?

Đáp: Những loài vật ấy đều do chính nghiệp lực tự thân của chúng mà phải sinh ra làm chim, thú, cá, rùa… Nếu quy nguyên nhân sinh ra của chúng cho trời, thì hóa ra trời thật hết sức bất công. Còn nếu nói chúng do những khí chất trái nghịch của trời đất mà sinh ra, vậy xin hỏi vì sao chỉ riêng những con vật ấy là nhận lãnh khí chất trái nghịch?

Hỏi: Trong thiên hạ này có rất nhiều loài vật. Nếu con người ai ai cũng từ bỏ sự giết hại, không ăn thịt chúng, ắt phải sinh sôi nảy nở nhanh chóng khắp nơi, tương lai sẽ thành một thế giới đầy cầm thúlúc ấy biết phải làm sao?

Đáp: Có những loài như giun đất, trùng, rắn… con người không bắt ăn thịt, nhưng cũng không thấy chúng sinh ra đầy khắp thiên hạ. Huống chi thế gian này có nhiều cầm thú, vốn thật là do con người giết hại quá nhiều cầm thú mà ra. [Người giết thú, chết sinh thành thú], món nợ giết hại trả vay, vay trả, qua lại với nhau nên cùng sinh vào loài cầm thú, nếu cứ như thế ắt sẽ thành cả thế giới cầm thú mà thôi. Nếu người người đều bỏ sự giết hại, ắt nghiệp báo sinh làm loài vật sẽ dần dần tiêu mất, mà chúng sinhhai cõi trời, người ngày càng nhiều hơn. Xem như người nước Sở không bắt ếch mà ở đó ếch ngày càng ít đi, người nước Thục không ăn cua mà loài cua ở đó ngày một hiếm, chẳng phải đã chứng nghiệm rõ ràng rồi sao? Hơn nữa, ngày nay ông hãy còn chưa tự mình từ bỏ sự giết hại mà đã lo toan đến việc loài vật sinh ra quá nhiều, so với câu chuyện người nông dân chưa gieo giống xuống mà đã lo người trong thiên hạ phải vỡ bụng vì dư thừa thóc lúa, thật [cũng ngây ngô] có khác gì nhau?

Hỏi: Trời đã ghét việc giết hại, lẽ ra nên làm cho máu thịt chúng sinh trở thành hôi thối khó chịu, tự nhiên người trong thiên hạ sẽ chẳng còn ai giết hại nữa, như vậy chẳng tốt hơn sao?

Đáp: Máu thịt của cầm thú vốn thật hôi tanh khó chịu, nhưng con người ăn vào lại cho là ngon ngọt. Điều đó có hai nguyên nhân. Một là do nghiệp lực của loài vật, hai là do nghiệp lực của con người, nên hóa ra như thế. Nghiệp báo của loài vật khi chưa được giải thoát thì tự nhiên thân thể máu thịt chúng hóa thành vị ngon ngọt, cám dỗ người đời giết mổ mà ăn. Nghiệp báo của con người khi chưa được giải thoát thì miệng lưỡi tự nhiên tham muốn những mùi vị béo ngọt [từ máu thịt loài vật], tìm đủ mọi cách gây thành món nợ hại mạng. Nếu nghiệp lực của người và vật, đôi bên đều dứt, tự nhiên sẽ không còn việc ăn nuốt máu thịt chúng sinh.

Ví như có người trong đời trước làm mèo, lúc nào cũng nghĩ đến việc bắt chuột, đời trước làm chim hạc, lúc nào cũng nghĩ đến chuyện bắt rắn, nhưng từ khi tái sinh vào kiếp người ắt không còn những ý nghĩ bắt chuột, bắt rắn nữa. Qua đó có thể thấy rằng, tùy theo nghiệp lực thọ thân khác nhau mà có những sở thích khác nhau. Sở thích khác nhau là do từ thân hìnhthân hình khác nhau là do từ nghiệp duyênnghiệp duyên khác nhau là do từ tâm thức. Trời không thể biến tâm người từ ác hóa thành thiện, thì làm sao có thể biến mùi vị máu thịt chúng sinh thành hôi thối khó chịu?

Hỏi: Những người lấy việc giết hại vật mạng làm nghề nghiệpnuôi dưỡng gia đình đều trông nhờ vào đó, nay khuyên họ đổi nghề, khác nào dứt đi con đường sống của gia đình họ? Đó là thương loài vật mà chẳng thương con người, tôi không chấp nhận như vậy.

Đáp: Người làm nghề giết hại vật mạng, ấy là dùng máu thịt chúng sinh mà giải quyết sự đói khát của mình, tutrước mắt tạm thời có ăn có mặc, nhưng cho đến muôn ngàn kiếp về sau phải gánh chịu khổ não, e không có ngày chấm dứt. Chính vì thương xót họ nên mới khuyên họ đổi sang nghề khác, nếu ngược lại cho đó là dứt đi con đường sống của họ, ấy quả thật chỉ là chỗ thấy biết thiển cận của người lòng dạ chật hẹp.

Nguồn: thuvienhoasen.org