Thành Phật làm chi?

Hỏi:
Lục Tổ nói “bổn lai vô nhất vật, hà xứ nhạ trần ai”, thế thì tu để làm gì? Thành Phật để làm chi?

Đáp:
Bài kệ của Lục Tổ là để phá chấp bài kệ của Thần Tú, lời nói của chư Phật chư Tổ là công cụ phá chấp; chứ không phải chân lý.

Như chúng sanh chấp cái có là thật có thì Phật nói không, dùng cái không để phá cái có; nếu chúng sanh chấp cái không là thật không thì Phật phải nói có, dùng cái có để phá chấp không. Nếu chúng sanh thấy Phật phá có phá không, tưởng là chẳng có chẳng không thì chấp vào chẳng có chẳng không, nên Phật dùng cũng có cũng không để phá chấp chẳng có chẳng không. Cuối cùng chúng sanh cho cũng có cũng không là chân lý, còn chấp cũng có cũng không thì Phật thấy bệnh chấp vẫn còn, phải dùng chẳng có chẳng không để phá cũng có cũng không

Tứ cú đều phá, có cũng phá, không cũng phá, chẳng có chẳng không cũng phá, cũng có cũng không cũng phá, gọi là lìa tứ cú (vô sở trụ), không phải có câu nào là chân lý. Phật nói có, không phải có là chân lý; Phật nói không, không phải không là chân lý, chỉ là tạm mượn để phá chấp. 

Lục Tổ cũng vậy, vì Thần Tú chấp thật có cái tâm để dính bụi nên cần phải quét sạch. Tâm vô hình tướng, tức là không có chỗ đề dính bụi và vốn không có bụi để dính cái tâm. Do bộ óc chấp thật có cái tâm để dính bụi, có cái bụi để dính trong tâm. Đó là nghịch ý PhậtTổ, tức là nghịch với bản thể Phật tánh. Cho nên Lục Tổ phải phá chấp đó. 

Nếu là bổn lai vô nhất vật (không có cái gì) thì muốn thành Phật để làm gì? Kỳ thật, muốn hiển bày cái dụng vô lượng vô biên, chứ không phải tiêu cực, nói là cửa không, không có cái gì! Bởi vì có dụng là tích tực, nhà khoa học, triết học có dụng tích cực không bằng cái dụng tích cực của Phật, do tích cực của Phật không có cuối cùng. 

Vừa rồi tôi nói “hiển bày cái dụng muôn triệu ngàn kiếp cũng không cần, là muốn hiển bày cái dụng vĩnh viễn”. Vậy làm sao nói tất cả không có! Tại giải thích trên mặt chữ cho là không có thì không đúng.