Thường nghe nói “Thà ngủ trong một miếu lớn, còn hơn là hành đạo trong một miếu nhỏ”. Điều đó cũng có nghĩa là cá nhân tu hành khác với tập thể tu hành. Tu hành dưới sự chỉ đạo của một ông thầy sáng suốt (minh sư) cùng với tự tu không có thầy nào là hoàn toàn khác nhau.
Cá nhân tu hành cần phải tiến hành sau khi thông hiểu phương pháp tu hành. Hơn nữa cần phải biết giải quyết như thế nào những vấn đề nghi hoặc và khó khăn, phiền toái nảy sinh ở thân tâm và kiến thức (tri kiến), nếu không thì không những không có ích gì mà ngược lại còn có hại. Đặc biệt là tu thiền định, tiến hành tinh tiến, dũng mãnh có thể xảy ra các loại bệnh thiền định và ma chướng. Đó là những thay đổi bất thường về mặt tâm sinh lý. Cho nên, người mới học không nên tu hành đơn độc.
Tu hành tập thể tuy không có thầy sáng suốt (minh sư) chỉ đạo nhưng còn có những người cùng tu quan tâm săn sóc, giúp đỡ sửa chữa cho nhau, chỉ cần hiểu biết một cách đúng đắn thì không thể phát sinh những vấn đề quá lớn.
Hơn nữa, cá nhân tu hành rất dễ dàng trở thành nóng lạnh không đều nhau. Khi thì dũng mãnh tinh tiến, khi thì lười biếng, sa đà, đó là vì không có người kiếm chế, không có quy chế đề ra cho cuộc sống của đại chúng. Dũng mãnh bốc đồng có thể dẫn tới cả thân và tâm mệt mỏi rồi sinh ra thiền bệnh, lười biếng, sa đà khiến cho bản thân bỏ việc tu hành, bỏ mất tâm tu đạo. Nếu quá mấy lần nóng lạnh thì có thể mất lòng tin. Nếu tu hành trong một đoàn thể, thì có sự ràng buộc của cuộc sống chung với nhau, lại được những người cùng tu giúp đỡ, khiến cho người ta tiến bộ, nên tương đối an toàn.
Xét về cái tâm con người thì cái tâm của cá nhân hết sức có hạn, người mới tu hành, không có cách nào tạo ra một không khí đạo trường để tu hành. Nếu có thể kết hợp với nhiều người cùng tu hành, có cùng một phương thức như nhau, cùng một tâm trạng như nhau, một mục tiêu như nhau có một thời gian làm việc nghỉ ngơi như nhau để tu hành thì có thể gây nên một không khí đạo tràng tu hành. Thậm chí chỉ cần một người tu hành thường xuyên cũng có thể làm cho toàn thể vào đúng quỹ đạo. Nếu quá nửa số người ở vào trạng thái bình thường cùng thông cảm nhau, cùng hòa hợp nhau thì có thể mỗi cá nhân được lực lượng toàn thể người tu hành ủng hộ. Nếu 10 người tham gia thì mỗi cá nhân có thể được sự ủng hộ của 100 người. Do vậy, Phật giáo tán thành việc tu hành tập thể là quy định thông thường đối với người mới tu học.
Người đã tu hành lâu mà tham gia vào việc tu hành tập thể cũng đều có ích. Vì vậy, khi Đức Phật Thích Ca còn tại thế, thường có trên 1000 đệ tử tham gia vào cuộc sống tăng đoàn. Trong lịch sử Phật giáo Trung Quốc, dù là tông phải nào phần lớn những nhân tài lỗi lạc tham gia tu hành tập thể. Thí dụ như tổ thứ 4 Thiền Tông là Đạo Tín, ông tổ thứ 5 là Hoằng Nhẫn, tổ thứ 6 là Huệ Năng, cho đến các đại sư Mã Tổ Đại Nhất, Bách Trương Hoài Hải. Môn đệ của các Ngài đều là những nhân vật lỗi lạc xuất sắc, hợp thành những đoàn tăng lữ đông đến 400, 500 người, trên 1000 người. Vì vậy mà các chùa, viện của Thiền Tông được gọi là Đại Hải Tùng Lâm.
Căn khí của người tu hành tuy lớn, nhỏ, sắc, cũng khác nhau, nếu bị thoái hóa, sa sút, không bình thường thì có thể bị nước biển đẩy dạt ra ngoài. Cây trong rừng tuy có cây lớn, cây bé khác nhau, cây thì thô, cây thì nhỏ nhắn khác nhau nhưng không có cây nào lại không mọc vươn lên. Nếu không thì không tiếp nhận được mưa móc, ánh sáng mặt trời và sẽ bị đào thải một cách tự nhiên.
Do vậy, có thể thấy rõ tu hành một cách đơn độc là điều không nên bắt đầu đối với người bắt đầu tu học.