Khổng Phòng Thúc ở nước Lỗ, ấp Tưu, làng Bình, con Phòng Thúc là Bá Hạ, con Bá Hạ là Thúc Lương Hột. Ông này trước cưới con gái họ Châu sanh con là Mạnh Bì, bất tài. Sau cưới con gái họ Nhan là Chưng, cầu khẩn ở núi Ni Khâu mà sanh Khổng Tử bèn đặt tên là Khâu, tự là Trọng Ni. Tối hôm sanh (năm Canh Tuất) có hai con rồng lượn quanh nhà, Ngũ Lão giáng giáng xuống trước sân, phòng của Nhan Thị nghe tiếng nhạc trời. Khổng Tử thân cao chín thước sáu tấc; lưng rộng mười vi, tay dài quá đầu gối, xương trán gồ lên như hình chữ nhật, hà mục, hải khẩu, mặt rồng, trán vuông, hàm én, râu rồng, nhìn như cọp, lông mi có mười hai vằn, mắt có sáu mươi bốn lý. Ngày 4 tháng 11 năm thứ hai mươi mốt đời Chu Linh Vương (551 trước Công nguyên) tức năm thứ hai mươi hai đời Lỗ Nhượng Công vậy. Trên hội Thích Ca, Khổng Tử là Nho Đồng Bồ tát, Nhan Hồi là Nguyệt Quang Bồ tát. Kinh nói: “Trong cõi Diêm Phù, có nước Chấn Đán, ta sai ba Thánh ở đó giáo hóa, nhân dân từ ái, lễ nghĩa đầy đủ”. Phật diệt độ đến Khổng Tử sanh là 400 năm.
Thái Tể nhà Thương hỏi Khổng Tử rằng:
– Khâu học rộng nhớ nhiều, chẳng phải Thánh nhân.
– Tam vương là Thánh chăng?
– Tam vương khéo dùng trí dũng, Thánh thì chẳng phải chỗ Khâu biết.
– Ngũ Đế khéo dùng nhân tín, còn Thánh thì Khâu chẳng biết.
– Tam Hoàng khéo dùng thời chính (thời cơ, chính trị) còn Thánh thì Khâu chẳng biết.
– Như thế thì ai là Thánh nhân?
– Khâu nghe phương Tây có bậc đại Thánh, không trị mà chẳng loạn, không nói mà tự tín, không giáo hóa mà tự hành, mênh mông người chẳng thể đặt tên.
Nguồn:thuvienhoasen.org