Vạn Hồi ở Văn Hương, họ Trương, tuổi trẻ tiêu ngao, ngông cuồng, làng xóm không ai lường được. Có anh tên Vạn Niên đi chinh phạt Liêu Tả. Mẹ Ngài mong tin anh. Ngài nói:
– Việc này quá dễ.
Rồi từ biệt mẹ đi, đến chiều trở về, đem theo thư của anh. Lân lý đều kinh ngạc, nhân đó gọi là Vạn Hồi. Ngài cùng Sa môn Long Hưng và thiếu tướng Đại Minh kết giao, thường qua lại nhà. Cấp Gián Minh Sùng Nghiễm ban đêm qua chùa thầy thần binh đứng hầu hai bên Ngài. Nghiễm kinh hãi.
Một hôm Ngài sai gia nhân quét dọn nhà cửa nói:
– Có khách quý tới!
Hôm ấy Huyền Trang từ Tây Vực trở về đến thăm Ngài. Ngài hỏi thăm phong cảnh Ấn Độ rõ ràng như tự mình trông thấy. Huyền Trang làm lễ đi nhiễu quanh Ngài gọi là Bồ tát.
Niên hiệu Hàm Hanh năm thứ tư (673).
Vua Cao Tông vời Ngài vào cung, độ làm sa môn. Khi ấy có tăng Mông Cổ Phù Phong, trước ở trong cung, thường nói: “Hồi đến! Hồi đến!” Và Ngài đến. Tăng Mông Cổ nói:
– Người thay thế đến, ta sẽ đi.
Nội trong một tuần Tăng ấy tịch.
Đến lúc hiển hóa, Vạn Hồi được ban hiệu là Pháp Vân. Thường có kệ:
Sáng tối cùng quên mở mắt Phật
Chẳng cột một pháp, trổ rừng sen
Chân không chẳng hoại tánh linh tri
Diệu dụng thường còn công vô tác
Trí thánh xưa nay thành Phật đạo
Tịch quang chẳng chiếu tự viên thông.
(Minh ám lưỡng vong khai Phật nhãn
Bất hệ nhất pháp xuất liên tùng
Chân không bất hoại linh tri tánh
Diệu dụng thường tồn vô tác công
Thánh trí bổn lai thành Phật dạo
Tịch quang phi chiếu tự viên thông).
Nguồn:thuvienhoasen.org