CUNG KÍNH NHU THUẬN LÀ LỄ NGHĨA QUAN TRỌNG NHẤT CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ

Tác giả: Chánh Kiến | Dịch giả: Serena D

Ban Chiêu, tự Huệ Ban, là nữ sử học gia, đồng thời là nhà văn thời Đông Hán. Năm 70 tuổi, bà soạn ra một bộ quy phạm lễ giáo hoàn chỉnh dành cho phụ nữ Trung Quốc gọi là «Nữ giới». Trong cuốn sách, bà giải thích về hàm nghĩa của công, dung, ngôn, hạnh, hay “tứ đức” của người phụ nữ, có ảnh hưởng rất sâu sắc trong lịch sử Trung Quốc.

Trong «Nữ giới» bà chỉ ra rằng “cung kính nhu thuận” là lễ nghĩa đứng đầu của người phụ nữ. Âm-Dương giữa vợ chồng giúp đỡ lẫn nhau, tôn trọng lẫn nhau, có như vậy quan hệ phu thê mới hài hòa và mỹ mãn.

Trong «Nữ giới» bà viết (dịch văn): “Đặc tính Âm-Dương hai bên là bất đồng, hành vi nam-nữ cũng có khác biệt. Dương tính lấy cương cường làm phẩm cách, âm tính lấy ôn nhu làm biểu trưng; nam nhân lấy cường tráng làm cao quý, nữ nhân lấy mềm yếu làm mỹ lệ. Vì vậy ngạn ngữ nói: ‘Sinh con trai như sói, còn sợ mềm yếu không cương cường; sinh con gái như chuột, còn sợ hung dữ như hùm beo’. Tuy nhiên nữ nhân cần rèn luyện tính cung kính là một điều rất trọng yếu, tránh quá cương cường mà mất đi vẻ nhu thuận. Do đó mới nói cung kính nhu thuận là lễ nghĩa đứng đầu của người phụ nữ”.

“Cung kính không đòi hỏi điều gì khác, chỉ cần kiên trì bền bỉ; nhu thuận không đòi hỏi điều gì khác, chỉ cần khoan dung nhẫn nại. Người trường kỳ gìn giữ sự cung kính sẽ biết có chừng mực, khoan dung với người khác, đã thiện lại cung kính”.

“Giữa vợ chồng với nhau quá thân mật, cả đời không rời nhau, việc trong nhà chu toàn, nhưng thời gian càng lâu thì càng dễ sản sinh tâm khinh mạn suồng sã. Một khi sự việc cợt nhả phát sinh, thì lời nói nhất định vượt quá chừng mực. Lời nói quá đi, phóng túng buông thả được dịp phát sinh, cách nghĩ vũ nhục đối với người chồng sẽ nảy sinh, ấy là bởi không biết duyên cớ về có chừng mực vậy”.

“Sự việc có cong có thẳng, lời nói có đúng có sai, việc thẳng không thể không tranh luận, việc cong không thể không biện bác; tranh luận biện bác một khi phát sinh, thì sẽ dẫn tới ưu tư phẫn nộ, đây chính là bởi không biết duyên cớ về xử trí theo cung kính hòa thuận vậy!”.

“Vũ nhục trượng phu mà không biết tiết chế, sẽ dẫn tới khiển trách nhiếc mắng, ưu tư phẫn nộ mãi không ngừng, thậm chí nặng quá còn dẫn tới đánh nhau. Phàm là phu thê, phải lấy thân thiện hòa thuận làm lễ nghĩa, vợ chồng thân thiết giúp đỡ lẫn nhau. Đánh đập lẫn nhau, lễ nghĩa ở đâu? Khiển trách quát mắng, yêu thương ở đâu? Lễ nghĩa yêu thương đều không có nữa, vợ chồng đã muốn ly dị rồi”.