Đem Tài Sản Đổi Lấy Kẹo

Lời dẫn: Mỗi người chúng ta đều có thói quen hám của rẻ. Vì thế, từ xưa đã có câu nói: “Ham cái nhỏ, bỏ cái lớn”. Vì sao nói ham cái nhỏ, bỏ cái lớn? Chúng tôi nói ví dụ như chúng ta có việc muốn nhờ người khác, trước khi bàn công việc, chúng ta phải biếu  quà; họ nhận quà của chúng ta mà không e ngại từ chối yêu cầu của chúng ta; nếu không thì việc đó không bàn được.

Chúng ta làm việc giúp cho người khác, ít nhất cũng một chầu nhậu; hoặc nhận một phong bì; nếu không thì khó mà được toại nguyện. Nếu chúng ta bàn chuyện buôn bán làm ăn, trước phải mời đi nhà hàng thì bàn chuyện kinh doanh mới thành công; cho đến tổ chức mở tiệc sinh nhật, cưới gả, ma chay, chúc thọ đều phải mời dùng cơm trước rồi mới mời sau. Một bữa ăn, bất luận phải trả giá bao nhiêu cũng phải ăn. Bởi vì, thông thường đã hình thành thói quen như thế, nên lãng phí rất nhiều.

Tục Ngữ có câu: “Muốn bắt trộm gà, phải mất một nắm lúa”. Kẻ muốn bắt trộm chó người ta nuôi, trước không đánh chó làm sao bắt trộm được? Kẻ muốn tham ô, trước tiên cũng phải chi cho người khác một ít thì việc tham ô mới suôn sẻ. Kẻ muốn lừa đảo lấy của người khác, trước tiên cũng phải chi ra một ít tiền để dụ họ thì lừa đảo mới thành công. Vì thế, ham cái nhỏ, bỏ cái lớn ở thế gian rất nhiều, kể ra không hết.

Ngày xưa có một phụ nữ vì chạy giặc nên rời bỏ quê nhà; nàng dắt theo đứa con trai và mang một bọc đựng rất nhiều của cải, nàng dự định đi thẳng đến nơi yên ổn để sinh sống. Hai mẹ con đi suốt hai ngày, hai đêm, thân thể rã rời, nên phải nghỉ ngơi. Họ đi đến ngồi nghỉ bên gốc cây, nàng lại buồn ngủ nên dặn chú bé:

– Trong bọc này đựng tài sản của chúng ta, lúc mẹ ngủ; nếu có ai muốn lấy bọc này thì con liền kêu mẹ dậy nhé! Tuyệt đối con không được đưa cho ai bọc này!

Chú bé đáp:

– Mẹ ơi! Con biết rồi!

Dặn con xong, nàng dựa vào gốc cây ngủ say. Lúc đó, có một tên trộm nhìn thấy người mẹ đã ngủ say, dường như không hay biết gì liền đến gần hỏi:

– Này chú bé! Trong bọc đựng gì thế?

Chú bé trả lời:

– Dạ, bọc đựng của cải đó!

– Chú bé ơi! Của cải đâu có ích gì, anh có rất nhiều kẹo nè, em ăn thử ngon không?

Hắn lại giơ kẹo trước mặt chú bé giở trò dụ dỗ:

– Kẹo nè! Em thích không?

– Dạ, em rất thích!

– Thế thì anh đưa cho em kẹo đổi bọc này cho anh có được không?

– Dạ được!

Thế là bọc đồ của cải bị tên trộm chôm lấy đi.

Người mẹ thức dậy không thấy bọc đồ, liền hỏi:

– Này con! Bọc đồ đâu rồi?

Chú bé đáp:

– Con cho chú kia mang đi rồi.

– Tại sao con cho chú đó mang đi? Không phải mẹ đã dặn con rồi, nếu có ai muốn lấy bọc này thì con liền kêu mẹ dậy?

– Mẹ ơi! Tại chú đó cho con rất nhiều kẹo đây nè!

– Con ơi! Có nhiều kẹo đi nữa cũng chẳng đáng giá bao nhiêu, tài sản trong bọc đó trị giá rất nhiều.

– Thế nào là trị giá rất nhiều hả mẹ?

Chú bé chẳng hiểu gì cả, người mẹ có giải thích cho nó cũng chẳng có ích gì; vả lại tài sản cũng bị tên trộm mang đi rồi, có đánh mắng chú cũng chỉ vô ích, nàng chỉ tự than trách mình.

Bài học đạo lý

Các vị đại đức! Con người thường vấp phải ham cái nhỏ, bỏ cái lớn. Có người vì năm đồng tiền mà cãi nhau đỏ mặt tía tai, đánh mất tình bạn, mất đi khách hàng bị tổn thất rất lớn, trái với đạo đức, trái lương tâm mình, chỉ vì tiền mà đánh mất tất cả. Lại còn tạo tội nghiệp, trong tương lai nhiều đời nhiều kiếp phải đền trả, cũng kết thù oán rất nhiều, báo thù lẫn nhau, mãi mãi không hóa giải được. Chúng ta nghĩ thử xem chút lợi trước mắt quan trọng? Hay là đạo đức, nhân cách quan trọng?

Ngoại đạo vì tranh giành tín đồ mà đem tam giáo[5] và danh từ ngũ giáo[6] gộp lại sửa đổi thành những danh từ tà thuyết, tin đồn, dọa dẫm, lừa đảo. Bọn chúng vì tham lợi trước mắt nhất thời mà hại tuệ mạng của mình và tất cả chúng sinh. E rằng nhiều đời nhiều kiếp tội lỗi vô biên. Bọn chúng chỉ sung sướng nhất thời trước mắt mà muôn kiếp đọa vào đường tà. Chúng ta thử nghĩ xem, họ thông minh hay là ngu si? Là được hay mất? Như chú bé trong câu chuyện chỉ vì ham mấy viên kẹo mà đánh mất của cải giá trị rất nhiều. Câu chuyện này đáng làm bài học cho chúng ta.