Đúng Người Đúng Việc

Ngày xưa, có một quốc gia tên Hảo Lợi, xưa nay chưa từng dùng đến ngựa bao giờ. Những lần đánh nhau với nước Trí Minh láng giềng, thường bị thua luôn. Các quan trong triều bèn tâu với vua:

– Nếu như nước ta tìm mua được nhiều ngựa chiến, phát triển kỵ binh thì địch sẽ không dám coi thường chúng ta!

Vua nghe có lý bèn rút một số tiền to trong ngân quỹ, cử người đi khắp nơi tìm mua ngựa tốt. Cuối cùng cũng mua được vài ngàn con. Nhờ huấn luyện thuần thục, những con ngựa hiền lành này trở thành ngựa chiến dũng mãnh.

Ngày nọ, vua nước Trí Minh dẫn đại binh sang xâm lấn nước Hảo Lợi. Vừa đến biên giới, đã thấy đoàn kỵ binh với hàng ngàn ngựa chiến dũng mãnh xông ra, hào khí bừng bừng, vua Trí Minh nghĩ thầm:

Lâu nay ta ngỡ nước này chỉ có bộ binh, ai dè lại có đoàn kỵ binh hùng hậu, uy dũng. Quan sát tình hình, dự biết khó thắng trận nên vua ra lịnh lui quân.

Những năm sau đó, vì thấy nước Hảo Lợi binh mã hùng mạnh nên nước láng giềng không dám khiêu chiến nữa. Nhờ vậy mà nước Hảo Lợi hưởng thái bình lâu dài, lâu đến nỗi cả triều đều thấy chiến mã không cần dùng nữa, mà ngựa chiến không ra trận thì còn vô dụng hơn ngựa nhà kéo cối xay nữa là!

Khi ấy có một đại thần kiến nghị với vua:

– Nuôi những con chiến mã này, lương thảo tốn kém không phải ít, lo thức ăn cho chúng cũng rất phiền toái mà hiện tại nước ta đang thái bình, đâu cần chiến mã? Để chúng ở không rất uổng, chi bằng ta bịt mắt chúng lại, cho chúng vào “Xưởng xay nghiền ngũ cốc”, huấn luyện chúng kéo cối xay. Làm như vậy ta vừa biết cách xài chiến mã, vừa có thể tăng thêm ngân quỹ cho nước. Mà hễ có chiến tranh thì ta lại mở băng mắt ngựa ra, chúng lại biến thành chiến mã, tiếp tục bảo vệ đất nước.

Vua cảm thấy kế này hay nên cho thi hành. Ngựa chiến được đưa vào xưởng, ngày đêm kéo cối chạy vòng vòng. Được một thời gian lâu, chúng đã quen việc, thuần thục đến nỗi giả như không bịt mắt, chúng vẫn đi nhịp nhàng, không hề trật vòng xoay.

Bỗng một ngày kia, vua láng giềng kéo đại binh qua xâm lấn, vua Hảo Lợi cấp tốc sai binh sĩ cưỡi chiến mã xuất chinh. Hàng ngàn con chiến mã vẫn còn to khỏe như ngày nào, kỵ sĩ hăm hở vung roi thúc ngựa lao vào quân địch chiến đấu.

Thế nhưng dù có bị đòn roi đến đâu, những con chiến mã ấy vẫn cứ chạy vòng vòng, như thể chúng đang đi quanh cái cối xay vô hình, chúng thao tác nhịp nhàng, không hề trật quỹ đạo.

Quân nước láng giềng bật cười ha hả. Không cần giao chiến nhiều, đại binh của họ đã tiêu diệt được nước Hảo Lợi. Vua nước Trí Minh cho các chiến mã về lại xưởng xay, bắt vua Hảo Lợi làm cai xưởng, còn các quan thì làm nhân viên quét dọn xưởng.

(Theo “Nhân sinh phương hướng” của Lâm Thanh Huyền)

—o0o—

Bài Học Đạo Lý

Hòa thượng Từ Hàng, một cao tăng đức trọng người Trung Quốc, lúc chiến sự rối ren, ngài từng bị khổ nạn oan khiên. Sau khi hết nghiệp nạn, ngài về an dưỡngviên tịch ở điện Di Lặc, để lại nhục thân bất hoại. Thuở sinh tiền, tình cờ gặp một quân nhân, anh ta chỉ vào ngài mắng:

– Nếu như ai cũng xuất gia như ông thì quốc gia sẽ diệt vong thôi!

Ngài mỉm cười bảo:

– “Ở vị trí nào, làm tròn bổn phận của vị trí đó. Mỗi người tự làm tốt nhiệm vụ của mình mới là phúc cho nước nhà”.

Thực vậy, trong xã hội, mỗi người đều có bổn phận, chức năng và nhiệm vụ riêng. Binh sĩ bảo vệ bờ cõi, thương nhân lo buôn bán, công nhân và nông dân thì lao động sản xuất… tu sĩ lo giữ gìn đạo đức, phát triển tâm linh.

Vì thế, tukhông phải là những người “lười biếng, ăn bám”, họ có trọng trách thiêng liêng với đời. Vì nếu khôngChánh pháp làm gương sống đạo đức, thiện lành thì xã hội dễ đi đến bất an, tham lam, sa đọa.

Quan trọng nhất là mỗi người cần phải hiểu rõ khả năng, sở trường của mình và nhận thức đúng về vai trò, nhiệm vụ của người khác. Người khôn ngoan sẽ biết chọn việc phù hợp và phát huy sở trường của mình đến đỉnh điểm.

Mỗi người đều hữu ích khi ở đúng vị trí của mình. Mỗi công việc đều cần thiết và quan trọng như nhau, không thể xem trọng, coi khinh việc nào và cũng không thể bắt họ làm việc trái nghề. Nếu làm vậy, chẳng khác bắt ngựa chiến làm việc ngựa nhà và tất nhiên là chuốc lấy thất bại.

Mặt khác, về phương diện lãnh đạo, biết dùng tài đúng chỗ, sắp xếp nhân sự hợp lý. Điều gì sẽ xảy ra khi bác sĩ về rừng cuốc đất và nông phu cầm dao phẫu thuật bệnh nhân?

Chiến mã và ngựa nhà đều quan trọng. Nếu lãnh đạo quốc gia, tổ chức, đoàn thể và cả… Giáo hội biết dùng tài năng, đúng người đúng việc, thì đất nước sẽ nhanh chóng phú cường, Phật pháp ngày càng hưng thịnh.