Giọt Mực Cuối Cùng

Dòng họ Nguyễn ở làng  chùa Phúc Tự là một  dòng họ danh gia vọng  tộc có nhiều đời làm quan. Đến đời ông Kiểm Khê cũng rất hiếu học, đêm ngày bút nghiên đèn sách dùi mài kinh sử, đôi ba lần lều chõng nhưng bảng vàng chưa một lần có tên. Tuy vậy, ông cũng thuộc hạng người nhân nghĩa và tri thức, ở cái làng chùa này không ai là không kính trọng. Người ta gọi ông Kiểm Khê vì ông là hương kiểm, một chức sắc nhỏ thuộc hệ thống địa phương làng xã thời ấy.

Dẫu không công thành danh toại nhưng không thành công cũng thành nhân. Chuyện thăng trầm thành bại tử sinh là một quy luật hiển nhiên nên khi biết mình đang ở tuổi “tứ thập nhi bất hoặc” lại mang một chứng bệnh nan y khó lòng qua khỏi, ông cũng không buồn lắm. Ông chấp nhận với số phận, chỉ trăn trở có một điều là sau khi ông đi, hai đứa con trai của ông có tiếp nối được truyền thống hiếu học của gia đình dòng họ hay không? Bởi hơn ai hết ông là người ý thức rất rõ cái cần thiết của việc học. Ông Kiểm Khê gọi hai người con lại, lấy ra một lọ mực đầy, ông chỉ vào lọ mực ấy rồi dặn dò con rất kỹ lưỡng: “Này hai con! Đây là lọ mực của ông bà để lại cho cha, cha đã trân quý gìn giữ nó như một báu vật.  Đến hôm nay cha trao lại cho hai con với một bí mật mà hai con chưa hề biết. Đó là khi viết đến giọt mực cuối cùng sẽ xuất hiện một viên ngọc quý”.
Anh con trai trưởng thuộc loại làm biếng học hành, nghe cha nói như vậy, đến đêm bí mật đưa ngón tay vào lọ mực rà tìm nhưng chẳng thấy viên ngọc nào cả, anh không tin và thầm nghĩ rằng đó là điều không thể. Còn anh con trai út thì rất siêng năng vâng lời cha dạy, không xao lãng bút nghiên đèn sách. Khi viết đến giọt mực cuối cùng anh đã nhận ra ý nghĩa thâm sâu lời dặn dò của cha trước lúc đi xa. Viên ngọc mà cha nói đến chính là tri thức. Qua bao năm khổ luyện học hành, anh đã trở thành một con người có đủ tri thức, đạo đức. Và chính anh đã trở nên một viên ngọc quý như cha anh hằng mong muốn.

(Theo Truyện cổ tích Việt Nam)

—o0o—

BÀI HỌC ĐẠO LÝ

Có một người cha nhân hậu đã nói với người con trai vừa bắt đầu học chữ nên chưa thích thú việc học cho lắm: “Này con trai yêu quý! Ta sẽ cho con một đồng nếu hôm nay con thuộc một chữ”. Cậu con trai lười này nghe đến tiền rất hấp dẫn nên say mê học thuộc để nhận một đồng. Anh ta tiếp tục “học thuê” kiểu này đến khi kiếm được mấy chục đồng tiền của cha, anh mừng lắm khi đọc được các tên biển hiệu, tên đường phố và cả sách báo. Anh vui sướng quá đem hết số tiền đã kiếm được trả lại và sà vào lòng cha. Người cha nhân hậu rất đẹp lòng cảm nhận được cái điều ông mong muốn là làm thế nào cho một đứa trẻ chăm học.

Câu chuyện này cũng không khác gì câu chuyện lọ mực quý ở trên. Cha mẹ không một ai là không quan tâm đến việc học của con cái. Sách xưa dạy rằng: “Ngọc bất trác, bất thành khí/ Nhân bất học, bất tri lý/ Ấu bất học, lão hà vi?”. Vô học thì bất thuật, không hiểu biết sẽ dẫn đến tri giác sai lầm, sai một ly đi một dặm, sai con toán bán con trâu. Bởi vậy con người cần phải có tri thức để làm nền tảng xây dựng cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Muốn có tri thức thì nhất thiết cần phải học. Học ở trường, học ở sách vở và học ở ngay trong cuộc sống đời thường hàng ngày ta đối mặt, vấp ngã để rút ra kinh nghiệm sống vững vàng hơn. Đối với những người chăm chỉ học hành, hiểu biết của họ thành tựu dễ dàng; nhưng thật là khó đối với người biếng nhác, làm sao cho họ ý thức được lợi ích của tri thức, nhất là đối với con trẻ.

Viên ngọc quý hay là tiền bạc là thứ của cải rất hấp dẫn, từ trẻ con đến người lớn ai mà không thích; những người cha thông minh trong hai câu chuyện trên đã dùng viên ngọc quý và tiền bạc để dẫn dắt đứa con của mình thử bước vào vườn địa đàng tri thức. Khi người con đã thật sự đi vào rồi, anh ta sẽ thay đổi thái độ khi cảm nhận được cái lợi lạc của tri thức từ chính bản thân mình đang nếm trải, lúc đó người con tự khắc cuốn hút say mê đèn sách khó có thể dứt ra được, vì đã nhận ra “thư trung hữu ngọc” (trong sách có ngọc). Và chính mình cũng là một viên ngọc, nhưng nếu chẳng dũa chẳng mài thì cũng thành vô dụng, ngược lại viên ngọc kia biết rèn dũa miệt mài, thì chắc chắn nó sẽ trở nên lung linh, sáng ngời và quý giá.
Ai chẳng thích sở hữu một viên ngọc quý tri thức, muốn có tri thức thì cần phải học, tiên học lễ hậu học văn; chỉ cần siêng năng chăm chỉ học tập đến giọt mực cuối cùng như người con trai út trong câu chuyện trên thì chúng ta sẽ có được một viên ngọc quý giá biết dường nào! Bởi vì viên ngọc thật dù quý giá đến mấy cũng có thể bán đi hoặc có thể bị mất cắp; nhưng viên ngọc quý tri thức thì không bao giờ mất đi được.

LÊ ĐÀN