HIỂU VỀ CHỮ NHẪN

Người xưa thường hay nói: một câu nhịn chín điều lành. Nếu trong cuộc chúng ta không biết “nhẫn” thì trong tâm hồn luôn có một ngọn lửa, chờ gió nhẹ thổi tới là bùng cháy… Dưới đây là hai câu chuyện về hai vị thiền sư và 2 kết quả khác nhau.

  • Câu chuyện thứ nhất

Thiền sư Hakuin luôn được mọi người sống quanh ngài ca ngợi về nếp sống trong sạch, đạo hạnh.

Gần nơi ngài sống có một cửa hàng thực phẩm. Hai vợ chồng người chủ cửa hàng có một cô con gái trẻ đẹp. Thật bất ngờ, một hôm hai người bỗng nhận ra cô con gái của mình đã mang thai!

Điều này làm cho cha mẹ cô gái bừng bừng nổi giận. Cô lại nhất định không chịu thừa nhận ai là cha của bào thai đó. Tuy nhiên, sau bao nhiêu lần tra vấn hạch hỏi, cuối cùng cô lại chỉ đến thiền sư Hakuin.

Trong tâm trạng vô cùng tức giận, cha mẹ cô lập tức tìm đến chỗ vị thiền sư. Sau khi nghe sự việc, ngài chỉ hỏi lại: “Thật thế sao?

Rồi chẳng biện bạch gì, sau khi đứa bé được sinh ra, người ta mang đến giao cho ngài. Vào lúc này, thanh danh của ngài chẳng còn gì nữa, nhưng ngài không màng đến điều đó.

Ngài hết lòng chăm sóc đứa bé. Ngài đi xin sữa từ những người hàng xóm cũng như tất cả những thứ cần thiết để nuôi dưỡng nó. Một năm sau, người mẹ trẻ không còn dằn lòng được nữa, liền thú nhận sự thật với cha mẹ nàng, rằng người cha thực sự của đứa trẻ là một thanh niên làm việc ở chợ cá.

Cha mẹ nàng lập tức đến chỗ thiền sư Hakuin để tạ lỗi, cầu xin sự tha thứ của ngài, và xin được nhận đứa bé về. Thiền sư vui vẻ chấp thuận. Khi trao lại đứa bé, ngài cũng chỉ nói mỗi một câu: “Thật thế sao?

Bạn thân mến, vị thiền sư trong câu chuyện đã chứng tỏ một khả năng chịu đựng oan khuất gần như không giới hạn. Nhưng điều đáng nói hơn nữa là ngài hầu như không tỏ ra vẻ gì cho thấy việc ngài đang phải chịu đựng.

Khi phải chịu đựng những sự oán giận hay chê trách về một sự việc mà mình không hề thực hiện, chỉ có thực hành nhẫn nhục mới có thể giúp ta vượt qua được với tâm trạng thản nhiên mà không có sự khổ đau, uất ức.

  • Câu chuyện thứ 2

Có một nhà sư chọn tu pháp Nhẫn nhục Ba la mật. Sau nhiều năm tháng nỗ lực tu tập thì ông cũng thành tựu được rất nhiều công hạnh, trụ vững như kim cương, bình an trước mọi nghịch cảnh, bị người khách ganh ghét, lăng nhục, mưu hại, sư vẫn luôn nở nụ cười trên môi thản nhiên như không.

Rất nhiều người tán thán sư và thường xuyên đến chỗ sư để đàm đào và thực tập hạnh tu này, sư luôn vui vẻ tiếp đón và chia sẻ những kinh nghiệm thực tập được cho họ.

Một hôm có một thanh niên đến tham quan chùa, anh ngưỡng mộ hạnh tu của sư nhưng vì mới tìm hiểu đạo nên không biết chuyện gì để tham vấn, nhìn quanh thấy trên tường treo tấm bảng gỗ có một chữ sư viết rất bay bướm, anh liền hỏi:

– Thưa Thầy, đây là chữ gì ạ?

Sư trả lời đầy vẻ tự hào:

Chữ Nhẫn viết theo lối thư pháp, ta phải tập viết hàng trăm lần mới được như ý đấy con à.

Anh gật gù vẻ tán thưởng, sau khi đi lòng vòng ngó nghiêng đây đó anh đứng trước tấm bảng gỗ gãi đầu gãi tai:

– Thưa Thầy chữ gì đây ạ?

Nhà sư tươi cười trả lời:

– Ta tu hạnh nhẫn nhục nên viết chữ Nhẫn đó mà.

Một chút sau, anh lại ngắm nghía tấm bảng và hỏi:

– Thưa Thầy, thầy viết chữ gì đây ạ?

Chữ Nhẫn!

Trước khi ra về anh lại tần ngần trước tấm bảng:

– Thưa Thầy, chữ gì đây ạ?

Nhà sư không chịu nổi nữa, nộ khí xung thiên:

Chữ Nhẫn! Nhẫn! Nhẫn! Đồ ngu, ngu gia truyền! Có một chữ mà nãy giờ hỏi hoài, hỏi hoài! Cút ngay!!!

(Chữ Nhẫn được ghép từ hai chữ: Đao ở trên, Tâm ở dưới. Tâm, tức trái tim. Tâm không chịu yên thì Đao, tức con dao, sẽ phập xuống tức thì. Vậy đấy, tự mình mà nhẫn nhịn được thì đao kề cổ vẫn bình yên vô sự, bằng không thì tai họa sẽ giáng xuống đầu mình trước tiên).

Thiên Nhẫn sưu tầm