HỎI: Tôi có người bạn thân, bạn ấy đã quy y và ăn chay từ lúc 17 tuổi. Theo cảm nhận riêng tôi thì bạn ấy thông hiểu và thuộc nhiều kinh luận nhà Phật. Tôi thì mới quy y khoảng 5 năm, nhờ có bạn ấy mà tôi tinh tấn hơn, nhất là biết thêm nhiều kinh sách hay về Phật pháp. Tuy nhiên, tiếp xúc lâu ngày với bạn, tôi thấy bạn ấy tuy thông minh, học cao hiểu rộng nhưng còn nhiều tự cao, ngã mạn.
Cụ thể, xem các chương trình game show trên ti-vi, thấy người chơi trả lời sai thì nói họ ngu… Khi tôi góp ý thì bạn tỏ vẻ khó chịu, chỉ trích rằng tôi bên vực người ngoài. Gặp việc gì không vừa ý, bạn ấy đều nói người khác ngu, dốt, tệ, hại. Đôi khi tôi tự hỏi, người có hiểu biết nhiều về Phật pháp tại sao lại có thể nói năng như thế?
Lại nữa, tôi nghe vợ của bạn ấy nói mỗi lần vợ chồng cãi nhau, bạn ấy hay quát tháo mày tao, văng tục, chửi thề… với vợ, thậm chí đã đánh vợ vì cô ấy tắt điện thoại khi hai người cãi nhau. Tôi nghĩ, học cao hiểu rộng Phật pháp đôi khi chưa hẳn đã làm chủ được chính mình. Vẫn biết, việc tu học của tôi còn rất yếu kém, vậy tôi phải làm sao để giúp bạn?
(DIỆU HƯƠNG, tranthingochanh2015@gmail.com)
Cốt tủy của người tu học Phật là chuyển hóa thân khẩu ý,
thanh lọc tham sân si, từng bước thành tựu giới-định-tuệ – Ảnh minh họa
ĐÁP: Bạn Diệu Hương thân mến!
Chúng ta đều biết câu nói của cổ đức: “Tu mà không học là tu mù. Học mà không tu là cái đãy đựng sách”. Người bạn kia đã hiện nguyên hình là ‘cái đãy đựng sách’ to tướng. Có điều, ai cũng thấy bạn ấy nhưng dường như riêng bạn ấy lại không thấy chính mình.
Học Phật để hiểu đúng nghĩa lý là điều khó. Người bạn kia nhờ có chút thiện căn trong quá khứ nên học hiểu và ghi nhớ khá nhanh. Nhưng chỉ học thuộc và hiểu kinh giáo thôi thì đang ở nấc thang đầu tiên. Giống như người xem bản đồ, nắm vững lộ trình, biết rõ đích đến nhưng không hề bước đi thì chẳng bao giờ đến đích.
Học hiểu là thức tri, mà thức tri là nghiệp lực, luôn bị vô minh và tà kiến che lấp. Nên thức tri dù cao rộng đến đâu đi nữa (bằng cấp, học vị cao nhất) cũng không vượt ra ngoài vòng cương tỏa và chi phối của nghiệp lực. Người tu học Phật thì luôn nỗ lực để vượt lên thức tri nhằm thành tựu thắng tri và liễu tri. Nên những ai mà có đôi chút kiến thức rồi cống cao tự mãn hơn người thì lợi bất cập hại, đôi khi đó chính là tai họa.
Người bạn kia đang mắc bệnh ngã mạn trầm kha. Chỉ thấy bóng dáng giáo pháp thôi còn lâu mới gặp được hình hài. Người mà lúc nào cũng bộc lộ tham sân si, ngã mạn, ác khẩu, gia trưởng, vũ phu… với vợ con thì nhân cách đạo đức có vấn đề. Ngay cả cái gọi là ‘hiểu biết Phật pháp’ của anh ấy cũng nên xem lại. Bởi người thực sự hiểu biết Phật pháp thì không bao giờ ứng xử vụng về, lỗ mãng, sân si như thế.
Bạn đã nhạy bén, nhanh chóng nhận ra sự bất thường nơi người bạn này. Anh ấy đang có bệnh, thực sự rất cần trị liệu và giúp đỡ. Có điều, tự thân anh ấy có nhận ra và chấp nhận hạn chế của mình để chuyển hóa hay không? Muốn giúp anh ấy, thiết nghĩ bạn nên vận dụng bi-trí-dũng nói rõ với anh ta rằng, trong đạo Phật học phải đi đôi với hành. Hành nhiều mà học ít vẫn tốt hơn. Còn học nhiều, nói nhiều mà không hành như anh ta thì chỉ như người ăn bánh vẽ khó mà no lòng được. Muốn khẩu giáo thì trước phải thân giáo. Tu tập đúng nghĩa thì trước hết mười nghiệp thân, khẩu, ý phải thiện lành. Người thực tu thì từ-bi-hỷ-xả luôn hiển lộ, đem cam lồ tưới mát tự thân và mọi người xung quanh.
Bạn ấy có ăn chay, có đôi chút học hiểu Phật pháp nhưng đó chỉ là các pháp trợ duyên bên ngoài. Hãy nói cho bạn ấy biết cần chú trọng đến pháp hành, sống với Pháp, sống với thực tại hiện tiền; ‘sống với’ chứ không phải ‘nói về’. Cốt tủy của người tu học Phật là chuyển hóa thân khẩu ý, thanh lọc tham sân si, từng bước thành tựu giới-định-tuệ, chứng đắc giải thoát Niết-bàn. Còn biết nhiều, nói nhiều mà hành ít hay không hành thì chỉ đau khổ, tạo thêm ác nghiệp mà thôi.
Chúc bạn tinh tấn!
Nguồn: giacngo.vn