Lúc đầu, tôi hơi ngạc nhiên và nghĩ rằng đó là âm thanh nhạc chuông điện thoại của mình hoặc của ai đó. Nhưng kiểm chứng lại thì âm thanh niệm Phật phát ra đó là do tâm nghe chớ không phải do tai nghe, tôi đã bị nhầm. Thế rồi tôi lại bỏ qua, quên mất và tiếp tục làm công việc…
Lúc về nhà, tiếng niệm Phật ấy lại vang lên, tôi để ý rất rõ và tập trung lắng nghe từng tiếng niệm. Tôi niệm theo và cảm nhận có sự đồng nhất giữa câu niệm Phật của tôi và những tiếng niệm Phật ấy. Tôi nghĩ chắc mình đã được niệm Phật nhất tâm rồi, toàn thân tràn đầy cảm giác hỷ lạc. Mong quý Báo chỉ rõ hơn về hiện tượng đó, và tôi phải làm gì ở những bước kế tiếp?
(TRẦN PHƯỚC TẤN, phuoctan2010@gmail.com)
ĐÁP:
Chúc mừng bạn đã có thật nhiều duyên lành với pháp môn Niệm Phật. Dù là một cư sĩ tu tập niệm Phật với nhiều gia duyên công tác bận rộn, nhưng bước đầu bạn đã có những tiến bộ lớn trong quá trình tu tập.
Tiếng niệm “Nam mô A Di Đà Phật” bạn đã nghe không phải âm thanh bên ngoài mà xuất phát từ bên trong tâm thức. Bạn đã tự kiểm chứng điều ấy một cách minh bạch, rõ ràng.
Nhờ bạn đã trải qua một thời gian dài huân tu niệm Phật, những hạt giống lành ấy được gieo trồng sâu dày vào trong tạng thức (A-lại-da thức) đến khi đủ duyên thì khởi hiện hành, lưu xuất trong nội tâm. Thành ra, việc nghe tiếng niệm Phật, câu chữ và giọng điệu rất rành rẽ nhưng không phải nghe bằng tai (vì nếu bịt tai lại vẫn nghe) chính là nghe bằng tâm, nghe tự tánh của mình niệm Phật.
Bạn đã nghe tự tánh của mình niệm Phật, nhưng chỉ một thời gian sau là ngừng, rồi sau đó tiếng niệm Phật tự trỗi dậy cho bạn nghe tiếp đồng thời cảm giác hỷ lạc tràn ngập thân tâm. Theo sách Niệm Phật đạt bất niệm tự niệm bảo đảm vãng sanh (Thích Minh Tuệ, NXB Tổng hợp TP.HCM, 2010), trạng thái này được gọi là Nhập tâm, bước đầu để hướng đến Bất niệm tự niệm.
Từ trạng thái Nhập tâm, bạn phải tu tập tinh tấn hơn nữa để bước vào Bất niệm tự niệm (tạm dịch là Không niệm vẫn niệm). “Có nhiều vị Nhập tâm năm, ba năm rồi mà không biết cách nuôi lớn, nên nó vẫn y như cũ, tệ hại hơn có vị bị mất hẳn không còn nghe nữa. Vậy thì phải nuôi lớn Nhập tâm bằng cách nào? Tùy theo túc căn và công phu sâu cạn của mỗi người mà sự nghe tự niệm ban đầu số câu nhiều ít, thời gian dài ngắn, tiếng lớn nhỏ, khác nhau. Nghe tiếng của mình hay của người khác, tùy thuộc vào sự huân tập tiếng của ai nhiều, thì nghe tiếng của người đó truớc (của mình hay của máy niệm Phật). Khi nghe niệm câu Phật hiệu (tự niệm) thì mình niệm theo cách nào cũng đuợc, ra tiếng là tốt nhất, nếu có sức. Bằng không, lắng lòng nghe tự niệm câu Phật hiệu thôi. Khi ngưng tự niệm câu Phật hiệu thì mình niệm mồi ra tiếng là tốt nhất, thời gian dài, ngắn tùy mỗi người…
Thí dụ: Tự niệm 10 câu Phật hiệu, mình niệm mồi 30 phút, ngưng coi có tự niệm lại không, nếu chưa chịu niệm thì mình niệm mồi thêm 10 phút nữa. Nếu có tự niệm thì mình ngưng. Nhiều lần như vậy, nếu tự niệm tăng số câu, thì mình giảm số phút niệm mồi. Khi tự niệm tăng, mình giảm niệm mồi. Cho đến khi nào luôn luôn có tự niệm mình khỏi niệm mồi, mà mình nghe tiếng niệm Phật liên tục không gián đoạn suốt thời gian còn thức, như vậy mới đúng nghĩa Bất niệm tự niệm” (Sđd, tr.74-75).
Bất niệm tự niệm là không cần phải tác ý, không cần dụng công nhưng trong tâm vẫn cứ niệm Phật tương tục không gián đoạn. Dù không niệm mà trong tâm nó vẫn tự niệm nên gọi là Bất niệm tự niệm. Theo tác giả Thích Minh Tuệ (Sđd, tr.79), duy trì trạng thái Bất niệm tự niệm suốt đời thì bảo đảm chắc chắn vãng sanh.
Từ Bất niệm tự niệm, hành giả cần dụng công nhiều hơn nữa để chứng đạt Nhất tâm. Tịnh tọa, chú tâm, lắng nghe tiếng niệm Phật của tự tánh chính là công phu của hành giả. Dùng tâm rỗng rang thanh tịnh lắng nghe từng tiếng, từng câu niệm Phật của tự tánh cho đến khi tiếng niệm Phật đông đặc thành khối, kiên trì lâu ngày như vậy sẽ thành tựu Niệm Phật tam muội hay chứng đạt Nhất tâm bất loạn.
Đối với những hành giả có nhiều căn lành, sau khi chứng đạt Bất niệm tự niệm, tiếp đến thành tựu và duy trì Nhất tâm bất loạn cho đến khi tuệ giác bùng vỡ, thể nhập Tự tánh Di Đà, thành tựu giác ngộ và giải thoát ngay trong hiện đời.
Chúc bạn tinh tấn!
Nguồn: giacngo.vn