Vườn quanh chùa ở Bảo Lộc, trồng đầy dẫy chôm chôm, ôm theo con đường đi Đà Lạt, nằm cách bên sườn rừng một con suối chạy dài theo quốc lộ. Nhờ con suối này làm thành lũy mà bao năm rồi kinh tế nhà chùa được tốt lên, cây trái chín bán đều đặn, khỉ rừng không qua vườn cây của nhà chùa phá được.
Thầy trụ trì chùa tuổi trung niên, giàu năng động, biết lo cho nhà chùa, nên kinh tế chùa tự phát khá lên dần dần, Phật tử gần xa đều kính phục.
Năm nay cũng như mọi năm, chôm chôm được mùa chín rộ, nhà chùa chưa kịp mừng thì lại bị thất thu vì bị phá hoại, không phải ở người mà đàn khỉ bên rừng tràn qua. Theo dõi nhà sư nhìn qua bìa rừng, thấy đàn khỉ con nào cũng đầy bụng chôm chôm, chí cha – chí chóe ở đám tre già bên kia bờ suối.
Tức mình nhà sư thức trắng đêm để tìm dấu vết. Quả thật! Quá nửa đêm trăng hạ tuần vằn vặt. Con khỉ chúa nương theo cây tre già cong qua bờ suối, oằn xuống đọt cây chôm chôm vườn chùa, một con khỉ đầu đàn đi qua trước, nó vịn cứng đọt tre, làm cầu cho đàn khỉ qua vườn chùa, hái quả ăn xong con khỉ chúa bên kia rừng bò ra cho cây tre oằn xuống, con khỉ đầu đàn vịn cứng đọt tre làm cầu cho đàn khỉ trở về. Đàn khỉ khôn đến nỗi về rừng rồi mà trời chưa sáng.
Một ngày tức bực, nhà sư không biết làm cách nào để đuổi cho đàn khỉ đừng qua phá vườn chùa. Cứ nghĩ đến chúng là thầy nóng ran cả người, vì bây giờ bắt buộc thầy phải tìm một cách để đuổi lũ khỉ về rừng mà không gây thương vong cho chúng.
Bất giác nhà sư nghĩ ra một kế đuổi khỉ nhanh gọn, an toàn, chắc ăn nhất mà thầy tự hào đặt cái tên là: Kế hoạch đuổi khỉ của thiền sư.
Bắt đầu nhà sư đan một giỏ tre, ràng thêm dây sắt cho chắc, treo vào giữa một chùm chôm chôm chín đỏ, hai đầu làm hai cái hom như hom lờ bằng sắt nhọn để vừa tầm tay khỉ lọt vào đến chùm chôm chôm. Xong thầy đem ra vườn ngụy trang cho khỉ đừng biết, rồi treo lên cây chôm chôm sai oằn mới vừa chín. Thầy dùng dây cột giỏ tre vào thân cây cho chắc, đây là giai đoạn đầu bẫy khỉ.
Đêm nay đàn khỉ quen thuộc, đi qua vườn leo lên cây hái ăn dễ dàng, một chú khỉ lớn thấy chùm chôm chôm là lạ chín đỏ, chú sờ thử, thò tay vào lấy một quả. Rõ ràng chú bị sập bẫy, tay đưa vào cầm trái chôm chôm mà rút ra không được, bị cái hom lờ đâm ngược vào tay chảy máu, còn tay kia chú đưa vào cái hom bên kia để gỡ, không ngờ dính luôn hai tay, đành ngồi chịu trận mặc cho bạn bè thân nhân nó về rừng khi trời chưa sáng.
Sáng ra một chú khỉ to đùng ngồi dấu mặt bên cái bẫy tre không nhúc nhích, vì lay động thì mấy cây sắt nhọn đâm sâu vào thịt càng đau. Nhà sư gỡ bẫy bắt con khỉ đem về chùa. Thầy nói: Được rồi để thầy làm cho chúng bây hết phá.
Chiều nay, cơm nước xong thầy bắt con khỉ ra, dùng vôi bột pha màu trắng, màu xanh, màu đen, màu đỏ. Phần đầu, phần đuôi thầy sơn màu trắng bạch, cặp mắt thầy sơn màu đen to lên như hai quả măng cụt, phần bụng và lưng thì thầy sơn vằng vện, màu trắng, màu đỏ, màu xanh, xong thầy đem cột nó vào chuồng. Giờ đây nhìn thấy không phải là chú khỉ nữa mà như là một quái vật.
Hôm nay, quá nửa đêm trời trăng mập mờ, đàn khỉ đua nhau ăn chôm chôm kêu chí chóe. Độ gần sáng thầy mở cửa chuồng cho con khỉ quái vật chạy ra rồi nhà chùa đập thùng la ó…
Thật kỳ diệu, đàn khỉ nhìn thấy con gì như nhà khỉ mà mình mẩy vằn vện lạ kỳ, chúng sợ hoảng vía, vừa chạy vừa kêu inh ỏi. Bên rừng con khỉ chúa đưa ngọn tre oằn xuống, đàn khỉ giành nhau chạy về. Nỗi sợ con khỉ ma quái cộng thêm tiếng gõ thùng la ó của nhà chùa, đàn khỉ chạy về dồn dập không giữ được cân bằng, cây tre cong oằn, đàn khỉ tuột nhào xuống suối chết theo dòng nước. Nhìn đàn khỉ đổ nhào chìm lĩm theo dòng suối, nhà sư la lên… chết rồi, chết rồi!! Thầy lặng người uất nghẹn nói trong hơi thở.
– Trời ơi! Lòng ta chỉ quyết đuổi chúng về rừng thôi, mà giờ đây chính ta, một nhà sư ở chùa phải mang tội giết chúng sinh!!
– Dù việc làm vô tình, nhưng hàng đêm mỗi lần công phu khuya, tay gõ mõ, mà tâm trí thầy vẫn thấy rõ hiện trường từng chú khỉ một rơi xuống dòng nước, chới với, lững lờ rồi chìm lỉm!!
– Một chút suy tư của một Phật tử hỏi thầy.
– Sao thầy ở chùa giàu lòng từ bi lại để hậu quả lỗi lầm to lớn như thế?
Giọng buồn buồn thầy đáp với tâm tư còn trói buộc:
– Vì chôm chôm nhà chùa lúc đó nó phủ đầy cả năm ấm của nhà sư!!
Giờ đây mỗi lần nhớ chuyện đuổi khỉ, thầy khuyên Phật tử một bài học ở đời là:
“Đừng CỐ ghét cái xấu của người. Lỗi lầm nào cũng có nguyên nhân từ cái TA đầy tự hào to lớn đó”.