Lòng Mẹ

Bế đứa con trai vừa mới chào đời lên, bà mẹ nhè nhẹ đong đưa đôi tay và hát: Thương con mẹ thương con/Yêu con mẹ yêu con/Yêu suốt một cuộc đời/Ðến ngày con lớn khôn…

Ðứa bé càng lúc càng lớn lên. Khi được hai tuổi, nó chạy chập chững bước thấp bước cao nô đùa quanh nhà, lôi sách vở trên kệ xuống để nghịch phá. Nó bày đủ thứ đồ chơi ra sàn nhà. Nó tè trong quần. Nó ị trên giường. Nó khóc. Nó la. Và bà mẹ đôi lúc phải thốt lên: Cái thằng này, con làm mẹ điên mất! Nhưng đêm đến, khi nó ngủ thật say, bà mẹ đến bên chiếc nôi trìu mến nhìn nó và khẽ hát: Thương con mẹ thương con…

Ðứa bé tiếp tục lớn lên thành một thằng nhóc chín tuổi. Nó không hề thích ăn uống đúng giờ. Nó không bao giờ muốn tắm rửa. Khi bà ngoại đến thăm, nhiều lúc nó lại buông giọng gắt gỏng với bà. Và bà mẹ đôi lúc muốn đưa nó đi đâu cho khuất mắt. Nhưng đêm đến, khi nó ngủ thật say, bà mẹ rón rén đến bên giường, kéo tấm chăn đắp lên người nó và khẽ hát: Thương con mẹ thương con…

Ngày qua ngày, thằng bé đến tuổi dậy thì. Nó dẫn về nhà những thằng bạn kỳ quặc. Nó ăn mặc những bộ đồ kỳ quặc. Nó nhún nhảy một cách kỳ quặc theo những bản nhạc cũng rất kỳ quặc. Và bà mẹ đôi lúc có cảm giác như thể đang ở trong sở thú. Nhưng đêm đến, chờ nó ngủ thật say, bà mẹ nhẹ nhàng mở cửa phòng riêng của nó, bước đến hôn lên trán nó và khẽ hát: Thương con mẹ thương con… 

Thằng bé kỳ quặc tiếp tục lớn lên thành một thanh niên trưởng thành. Nó rời nhà lên thành phố để làm việc và sống trong một căn phòng trọ. Thỉnh thoảng bà mẹ đón xe lên thăm nó. Những lần như thế, bà phải ngồi trước cửa phòng trọ và chờ đến tận khuya thì thấy nó say khướt trở về. Bà dìu nó vào phòng, lau mặt cho nó rồi đỡ nó lên giường. Sau đó, bà lắc đầu ngao ngán nhìn nó. Nhưng khi nó ngủ say, đượm buồn, bà khẽ hát: Thương con mẹ thương con…

Và rồi đứa con lập gia đình và họa hoằn lắm mới về thăm bà. Nó còn phải bươn chải để chăm lo cho mái ấm riêng của nó. Thời gian trôi qua và lạnh lùng khắc những nếp nhăn lên khuôn mặt già nua ngày càng hốc hác của bà mẹ. Một hôm, thấy yếu trong người, bà gọi điện bảo đứa con về thăm. Nó lái xe về thăm bà và ngủ lại nhà một đêm. Tối đó, bà nằm trong giường và khẽ hát: Thương con mẹ thương con…

Nhưng cơn hen khiến bà không hát được trọn bài hát thuở nào. Ðêm đó, bà lặng lẽ qua đời.

Sau đám tang, đợi tối đến khi đứa con của mình đã ngủ say, người đàn ông vừa mất mẹ bước đến hôn lên trán con và khẽ hát: Thương con mẹ thương con/Yêu con mẹ yêu con/Yêu suốt một cuộc đời/Ðến ngày con lớn khôn…

Hát xong, hắn lặng lẽ khóc một mình. (Theo Nghệ thuật sống hạnh phúc)

—o0o—

Bài Học Đạo Lý

Kinh Báo Ân có đoạn: “Mẹ già hơn trăm tuổi còn thương con tám mươi. Tình thương ấy có mất chăng là lúc mẹ chỉ còn hơi thở cuối cùng”. Mà thực ra, dù có chết đi nữa thì lòng mẹ đối với con không bao giờ thay đổi. Thế mới biết tình mẹ bao la vô bờ bến mà biển cả cũng không thể đong đầy.

Tình mẹ là thiên chức, tự nhiên, vô điều kiện, thương con vì đơn giản con là con của mẹ. Cho dù đứa con ấy có thế nào đi nữa thì mẹ vẫn thương. Và chỉ có mẹ mới có được tình thương như thế, thương con hơn cả chính mình.

Mỗi người một nghiệp duyên, mẹ sanh con thảo hiền âu cũng là phúc phận. Nhưng nếu sanh nghịch tử thì mẹ buồn, mẹ giận nhưng cũng chỉ là biểu hiện thoáng chốc bên ngoài, rồi mẹ lại thương…, thương đến trọn đời.

Những người con, chúng ta, không phải ai cũng cảm nhận hết tình mẹ để thương, ân cần và thơm thảo. Dù không cố ý nhưng trước cuộc mưu sinh tất bật và hối hả như hiện nay, phần lớn chúng ta đã lãng quên hoặc thậm chí đôi khi khiến cho cha mẹ phải lo buồn.

Vu lan, mùa của hoài niệm, thương nhớ và ăn năn. Hãy đi qua mùa Vu lan với những bước chân thật chậm, với những hơi thở thật sâu để quay về. Mẹ đang chờ ta ở nơi xa ấy. Đừng hát bài: Thương con mẹ thương con… như người đàn ông trong câu chuyện kia, khi đã quá muộn màng.

TÂM NGUYỄN

Comments are closed.