Lời dẫn: Đức Phật dạy: “Chúng ta ở thế giới này, gọi là thế giới Ta-bà”. Ta-bà dịch là “Kham nhẫn”. Ý nghĩa nói người ở thế giới này là kham nhẫn chịu nhiều đau khổ. Chúng ta kham nhẫn chịu đau khổ những gì? Có rất nhiều điều đau khổ như hoàn cảnh môi trường bão lụt, động đất, thiên tai, sạt lở. Khí hậu có bốn mùa xuân, hạ, thu, đông; lạnh rét, nóng bức. Thân người có các nỗi khổ sinh, già, bệnh, chết. Tinh thần có vui-buồn, mừng-giận, thương yêu phải chia lìa, oán ghét luôn gặp nhau, mong cầu không được. Chúng ta phải nhẫn chịu những điều đau khổ như vậy, gọi là thế giới Ta-bà. Nếu chúng ta không nhẫn chịu được thì sao? Là tự mình hủy diệt (tự sát); hoặc oán trời trách người, làm những điều ác sát, đạo, dâm, vọng; thậm chí tạo các ác nghiệp để trốn tránh đau khổ. Người nào biết được khổ mà lại tạo khổ thì càng thêm khổ.
Ngày xưa có một con cáo và một con nai cùng ở trong rừng dưới gốc cây cổ thụ. Một hôm, vì gió mạnh làm gãy cành cây, rớt xuống trúng ngay lưng chúng nó. Con nai thấy chẳng có việc gì, vì ở trong rừng gió thổi mạnh làm cho cây gãy là chuyện bình thường. Nhưng con cáo chịu không được, nó dự định dời đi chỗ khác. Khi nó sắp đi, con nai khuyên:
– Anh cáo ơi! Cây cổ thụ này chẳng những chắn gió, che mưa cho chúng ta mà còn cung cấp cho chúng ta trái cây thơm ngọt. Vì sao anh muốn đi nơi khác?
Con cáo đáp:
– Không! Tôi không chịu đựng nổi, anh cho ở đây tốt thì cứ ở đi. Tạm biệt anh!
Nó cong đuôi chạy không quay đầu lại.
Con cáo đến một nơi đồng trống, ban ngày thời tiết rất nóng bức, đến ban đêm thì rất lạnh rét; nó cảm thấy lúc lạnh, lúc nóng rất khó chịu. Ở được vài ngày nó chịu không nổi lại đi tiếp. Khi nó sắp đi, có một con nai khác đến khuyên:
– Này anh cáo! Tại sao anh lại phải đi? Mặc dù ở đây thời tiết thay đổi thất thường nhưng chúng ta sống yên ổn không có cọp sói, chẳng tốt hay sao? Thế gian này làm sao có chuyện hoàn hảo được, anh đến nơi khác cũng sẽ gặp chuyện không vừa ý. Anh hãy nghe tôi an tâm ở lại đây nhé!
Con cáo đáp:
– Không! Ở đây lúc lạnh, lúc nóng tôi không chịu đựng nổi. Tôi phải đi nơi khác.
Nó lại đến vùng rừng núi, cây xanh bạt ngàn. Nơi đây, khí hậu rất dễ chịu, phong cảnh rất đẹp, nó quyết định ở lại đây. Ở được vài ngày, nó nghĩ nơi đây không phải nơi lý tưởng. Bởi vì, ở đây có sư tử rất hung dữ, cũng có chó sói nham hiểm, nó thường nghe tiếng rống của chúng làm cho nó hãi hùng khiếp sợ; nhưng vì tham phong cảnh đẹp, nên nó cứ chần chừ ở lại. Một hôm, nó ra ngoài tìm thức ăn, nó bị chó sói bắt ăn thịt. Đến phút cuối nó chợt hối hận không chịu nghe lời bạn khuyên nên ngày nay mới có kết thúc bi thảm.
Bài học đạo lý
Làm người chẳng có ai mà hoàn hảo, hoàn cảnh cũng chẳng có nơi nào tốt đẹp trọn vẹn; đây gọi là thế giới Ta-bà. Thời tiết có lúc lạnh, lúc nóng, chúng ta sinh ra ở đây, tất nhiên phải thích ứng khí hậu và cuộc sống ở đây. Mỗi dân tộc đều có cách sống riêng của họ, tập quán là sống tự nhiên, chúng ta chịu đau khổ hay hưởng hạnh phúc nhiều ít đều có nghiệp nhân từ quá khứ.
Mỗi người đều có cá tính riêng, hiểu biết, ưa thích và thói quen cuộc sống đều không giống nhau, người biết nhường nhịn lẫn nhau mới sống chung lâu dài. Mỗi người đều có cá tính và sở thích riêng, nhưng chúng ta phải tùy thuận theo người khác thì mới có thể sống chung với nhau được. Làm người ai cũng có hi vọng, nhưng tương lai của mỗi người thành tựu thì khác nhau. Do vì mọi người luôn muốn người khác bất cứ việc gì cũng nghe theo mình, nên có xảy ra chuyện tranh cãi. Nếu như ai ai cũng tùy thuận theo người khác thì không có chuyện thị phi và tranh đấu.
Làm người ai cũng có những tính xấu tham, sân, si và cũng có những đức tính lương thiện từ bi, hỉ xả; tính nào nhiều thì trở thành thói quen tính ấy. Lục tổ Huệ Năng dạy:
Nơi nào dính bụi bặm.
Bản tính vốn thanh tịnh thì dính bụi bặm nơi nào? Chỉ vì chúng ta tiêm nhiễm thói xấu lâu ngày, đã là tiêm nhiễm thì không phải tự tính, không phải chân thật. Mọi người đều có thể sửa đổi tính nết xấu trở thành tính tốt, chỉ là chịu làm hay không mà thôi.
Cổ đức dạy: “Giang sơn dễ đổi, tính tình khó sửa”. Vì nguyên nhân tập khí nặng nề, nhưng không phải là không sửa được. Nếu chúng ta có trí huệ, có nỗ lực tu hành sửa đổi thì tính nết gì cũng thay đổi được. Chúng ta sửa đổi hoàn toàn tất cả thói xấu thì mới ra khỏi sáu đường sinh tử. Cho nên, thói xấu chẳng phải là cố định, cũng không phải không sửa được. Chúng ta cần phải dựa theo trí huệ để nhìn thấy rõ phá trừ, phải nỗ lực tu hành mới tiêu diệt nó. Khi ấy, thiên hạ được thái bình, thoát khỏi luân hồi, được tự tại.