Những Ngôi Chùa Nào Ở TP HCM Trước Đây Đã Được Sắc Tứ?

Sắc là tờ lệnh của vị vua, tứ là ban cho, phong tặng cho. Sắc tứ là tờ lệnh của vua ban cho một ngôi chùa hay một người nào, một sự vật nào đó.

Trước đây, dưới triều Nguyễn, có khá nhiều ngôi chùa được sắc tứ do đó là một danh thắng có tiếng, có quy mô lớn, được trang trí lộng lẫy, thường được gọi đó là một bửu sát hay một đại bửu sát. Cũng có trường hợp do trước đây, dưới thời chúa Nguyễn, Nguyễn Ánh lánh nạn Tây Sơn, vào trú ẩn trong những ngôi chùa ấy, sau này khi lên ngôi, vua Gia Long nhớ ơn các tu sĩ trong chùa đã giúp đỡ, che chở cho mình nên ban tặng, sắc phong cho chùa, từ đó các ngôi chùa được sắc phong mang tên chùa Sắc tứ…, kèm theo tên chùa.

Các chùa ở Thành phố Hồ Chí Minh trước đây đã được Sắc tứ là chùa Sắc tứ Từ Ân, Sắc tứ Tập Phước, Sắc tứ Trường Thọ, Sắc tứ Long Huê, Sắc tứ Huệ Lâm…

Sắc tứ Từ Ân ở số 23 đường Tân Hóa quận 6, do tổ Phật Ý dựng lên tại phủ Tân Bình vào năm 1752. Thời chúa Nguyễn, Nguyễn Vương có thời gian ở chùa, Hoàng tử Đởm (vua Minh Mạng) đã được sinh ra tại đây vào năm 1791. Vua Minh Mạng ban tặng “Sắc tứ Từ Ân tự”. Cuối thế k XIX, chùa dời về vị trí hiện nay.

Sắc tứ Tập Phước ở số 233 đường Phan Văn Trị, quận Bình Thạnh, được tạo lập vào thế k XIX, do Thiền sư Chánh Đắc, người tiếp nối mạng mạch của các vị Thiền sư từ Trung Quốc sang, thuộc thế hệ thứ 37 của phái Lâm Tế, dòng Chúc Thánh. Năm 1801 Thiền sư Chánh Đắc chính thức làm lễ thành lập chùa. Năm 1802, chùa được vua Gia Long sắc tứ. Hai bức hoành phi ghi “Sắc tiên chế” và “Tứ Hoàng phong”, ghép lại thành “Sắc tứ tiên hoàng chế phong”, còn lưu giữ tại chùa.

Sắc tứ Trường Thọ ở 53/524 đường Nguyễn Văn Nghi, quận Gò Vấp. Chùa được xây dựng vào giữa thế k XVIII. Buổi đầu, chùa có tên là Vĩnh Trường tự, sau đổi là Pháp Vũ tự. Chùa được sắc phong dưới thời vua Tự Đức. Hiện nay tại chính điện chùa còn lưu giữ hai bức hoành phi ghi “Sắc tứ Pháp Vũ tự” và “Sắc tứ Trường Thọ tự”.

Sắc tứ Long Huệ ở 131/27 đường Nguyễn Thái Sơn, quận Gò Vấp, còn có tên là chùa Quang Long. Chùa do tổ Đạo Thông lập vào năm 1798. Khi Nguyễn Ánh còn bôn ba, có lần đã đến chùa cầu Phật, nên sau khi lên ngôi vua, ban cho tấm biển “Sắc tứ Long Huê tự”. Chùa còn lưu giữ cặp đối:

Chùa Sắc tứ Từ Ân

“Quang cảnh Minh Hoàng Thiệu kế Tự thừa thiên hạ lạc

Long hưng Mệnh chủ Trị an Đức hóa thái bình dân”

(Quang cảnh vui vẻ của vị minh hoàng được nối tiếp truyền lại cho thiên hạ được hưởng sự an lạc, sự tốt lành hưng thịnh của đấng mệnh chủ đã có công trị nước và đức hóa làm cho người dân được hưởng sự thái bình. Dịch theo Nguyễn Quảng Tuân, Huỳnh Lứa, Trần Hồng Liên, trong Những ngôi chùa ở Thành phố Hồ Chí Minh. Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh 1993, tr. 62)

Sắc tứ Huệ Lâm ở 154 đường Tùng Thiện Vương, quận 8, do bà Chiêm Thị Mai tạo dựng cách nay gần 200 năm. Tấm hoành phi ghi “Sắc tứ Huệ Lâm tự” do vua Khải Định ban tặng còn lưu giữ trong chùa.