Vào thời Đức Phật còn tại thế, có một thiếu phụ đến chùa cúng dường trai tăng Tôn giả Xá Lợi Phất và các vị Tỳ kheo khác. Trong khi sửa soạn dâng vật thực đến các ngài thì bà được tin chồng cùng các con bị người ta phục kích và giết chết lúc đang đi hòa giải một cuộc tranh chấp. Bà xem thư xong, rồi lặng lẽ cất thư vào túi và tiếp tục để bát cho chư Tăng như không có gì xảy ra. Lúc ấy một người nữ tì của bà bưng hũ mật và sữa để dâng chư Tăng, rủi trợt chân té, làm bể cái hũ. Tôn giả Xá Lợi Phất thấy vậy nói với bà rằng các vật như cái hũ, đã mang tánh chất “bể” liền theo với nó, ắt một ngày nào đó phải bể. Bà tín nữ điềm tĩnh trả lời: “Kính bạch Đại đức, đó chỉ là một mất mát tầm thường. Con vừa nhận được tin chồng và các con của con bị kẻ sát nhân giết chết. Con bỏ thư vào túi và vẫn giữ tâm bình thản, không bấn loạn. Và mặc dầu được tin dữ, con vẫn tiếp tục để bát Ngài và chư Tăng”.(Theo Những bước thăng trầm của Narada)
—o0o—
Bài Học Đạo Lý
Nói đến điều mất thì ta nghĩ ngay đến điều được, dù ý nghĩa trái nghịch nhau, nhưng hai điều ấy luôn luôn đi kèm với nhau như hình với bóng, như sinh với tử, như may với rủi, như ngày với đêm, như âm với dương, thay phiên nhau theo hết cơn bĩ cực đến hồi thái lai và ngược lại.
Khi được tức là có may mắn, thành đạt, lợi lộc, danh tiếng…, và người ta thường vui mừng thỏa thích với những điều đã mong ước, kiếm tìm bấy lâu nay. Nếu không có những thời khắc hân hoan vui vẻ đó, dù chỉ là tạm bợ thì cuộc đời thật tẻ nhạt vô cùng. Trong cuộc sống đời thường áo cơm bận rộn, niềm vui khi gặp may mắn sẽ giúp cho con người hạnh phúc, phấn chấn tinh thần, lạc quan tin tưởng và chắc chắn sẽ tăng thêm sức khỏe và tuổi thọ.
Nhưng khi bị mất, tức là tổn thất danh dự, mất mát tài sản và tất cả những gì quý giá thân thương thì phiền não bắt đầu khởi phát. Vào những lúc khổ đau tuyệt vọng như vậy thì mấy ai có thể bình tâm hay cười dễ dàng như khi được lợi lộc? Nhiều trường hợp mất mát quá lớn làm cho người ta loạn trí, lắm khi đưa đến cảnh tự tử, quyên sinh.
Mất người thân hay mất bất cứ vật gì, tất nhiên ta cảm thấy rất buồn, nhưng cái buồn kia không thể giúp ta tìm lại được những gì đã mất. Vẫn biết quy luật bể dâu thật nghiệt ngã. Trong cuộc mưu sinh, tất cả mọi người đều phải trải qua thăng trầm, được mất nhưng có mấy ai có thể sẵn sàng chịu đựng đau thương, an nhiên với nghịch cảnh và vô số biến động của cuộc đời.
Đức quả cảm của người thiếu phụ trong câu chuyện thật xứng đáng là một bài học quý báu. Để đạt được sự điềm tĩnh, an nhiên bất động trước mọi biến động, chúng ta phải thấu rõ sự vô thường, nhận thức sâu sắc quy luật thành trụ hoại không của vạn pháp. Luôn sống với tuệ giác vô thường, để khi bất ngờ đối mặt với nghịch cảnh ta mới có thể giữ tâm bình thản và vượt qua nỗi đau thương mất mát, cho dù đó là mất mát lớn lao nhất trong cuộc đời.
LÊ ĐÀN