Trên đường đi Tokyo, kiếm sĩ Tama gặp một vị sư già mình hạc sương mai, khuôn mặt xanh gầy nhưng luôn luôn tươi cười. Sau mấy ngày đồng hành, họ trở nên thân thiết. Đạo sĩ cho biết, đã nhiều năm, đi khắp nước Nhật khuyến hóa, dành dụm được 200 lạng vàng để trong cái bị vải này, nay đi Tokyo tìm thợ lành nghề về làm chùa.
Ban đầu, Tama cố xua đuổi những ý nghĩ bất chính. Lần hồi, lòng tham làm mờ lý trí: “Ta đã hơn 40 tuổi. Kiếm sĩ đến tuổi này bắt đầu trở về già, vô dụng. Suốt một đời vào sinh ra tử mà vẫn nghèo khổ. Với số vàng kếch sù này, chắc chắn ta sẽ được nếm mùi sung sướng”.
Đạo sĩ đi bên cạnh một tay anh hùng, cho rằng mình đã gặp một hộ pháp đắc lực nên yên tâm, tay mang vàng mà đi, không lo ngại chi cả.
Đường đi bị gián đoạn bởi một eo biển, phải dùng thuyền mới qua được. Tama dìu nhà sư vào phía sau, một chỗ vắng khuất. Túi vải để ở giữa hai người. Vờ trỏ một con cá nhảy lên khỏi mặt nước, thừa lúc nhà sư nghiêng hẳn mình cúi xem, Tama đẩy nhẹ một cái. Nhà sư té xuống biển chìm nghỉm. Để thuyền đi một quãng thật xa, Tama la lớn: “Ông bạn té xuống biển rồi! Xin ngừng thuyền lại!”.
Gió đang thổi mạnh. Buồm căng đưa thuyền đi vùn vụt. Lái thuyền cố gắng neo thuyền lại, nhảy xuống nước tìm quanh nhưng chẳng thấy dấu vết nhà sư.
Đến Tokyo, Tama tự xưng là Tô Cự Bi, một nhà buôn gạo. Thanh kiếm cất kỹ đáy rương. Ông buôn bán rất phát đạt, tậu nhà, lấy vợ, có con v.v… nhưng không sao quên được hình ảnh nhà sư. Một thấp thoáng buồn rầu cứ lảng vảng trên vầng trán. Ông nguyền rủa sự nghèo đói. Chính nghèo đói là động cơ làm bậy, tạo tội ác.
Bao nhiêu năm trôi qua. Một đêm, Tô Cự Bi dạo trong hoa viên, bỗng để ý đến một cây tùng. Hình như một bóng người mờ ảo, dần dần hiện rõ. Mồ hôi Tô Cự Bi vã ra như tắm. Ông hốt hoảng hét lên: “Kìa nhà sư! Kìa nhà sư!”.
Đêm đêm, Tô Cự Bi để thanh kiếm ở đầu giường. Hễ thấy ma là cứ chém tới tấp. Cựu kiếm sĩ chém rất trúng. Song, cái thân như sương như khói kia cứ tan lại tụ. Bóng ma cứ xán lại muốn ôm choàng lấy người ông.
Cuộc chiến đấu giữa người và ma cứ thế kéo dài suốt đêm. Cây tùng đã đốn. Cửa phòng cứ tắt mặt trời là đóng chặt. Nhà Cự phú hoảng hốt lo sợ, đêm này sang đêm khác. Thế là phát bệnh nặng. Thuốc men bao nhiêu cũng không thuyên giảm. Vợ con đi lễ Phật lễ trời, cầu thần Thánh khắp nơi. Nghe đồn có một Hòa thượng đại đức, ai gặp khó khăn Ngài cũng hết lòng giúp đỡ. Vợ Tô Cự Bi vội vàng cung thỉnh.
Vừa trông thấy Ngài, Tô Cự Bi la hoảng: “Đó… đó… nhà sư! Nhà sư về báo thù! Trời ơi! Ai cứu tôi với!”. Ông run cầm cập, vơ vội chăn mền, trùm đầu để trốn hình ảnh người đối diện. Hòa thượng yêu cầu gia quyến lui hết, Ngài ở lại một mình, ngồi bên giường:
– Phải, tôi là nhà sư! Tôi chính là người đã bị ông xô xuống biển.
Cái chăn trùm trên người Tô Cự Bi run mạnh.
– Nhưng này Tama, tôi không phải là hồn oan! Tôi còn sống. Hôm đó rơi xuống biển, tôi đã bơi thẳng vào bờ thoát chết. Vì tôi vốn giỏi bơi lặn từ nhỏ. Chẳng biết ông ở đâu mà tìm, tôi lại đi khắp nơi khuyến hóa. Chùa đã làm xong. Sự tình cờ đưa tôi đến đây. Có lẽ vì vợ con ông đã thành tâm cầu nguyện. Ông yên tâm. Tôi là kẻ tu hành. Tôi vâng lời Phật tha thứ cho ông!
Tô Cự Bi mở chăn lấm loét nhìn. Nhà sư đang mỉm cười nói với ông. Ôi! Nụ cười đầy khoan dung, hiền hòa! Ông khóc nấc lên, vùng dậy quỳ xuống:
“Xin Ngài tha tội cho con, chỉ vì con quá khốn khổ!…”.
– Phải, nghèo khổ đẩy con người vào tội lỗi, nhưng biết sám hối tội sẽ nhẹ đi…
– Thưa, lương tâm con dày vò, con hối hận vô cùng!…
– Phải rồi… Nhà sư và cựu kiếm sĩ nói chuyện với nhau thân mật y như năm xưa họ gặp nhau trên con đường đi đến Tokyo. Tô Cự Bi khẩn khoản xin trả lại 200 lạng vàng và cúng thêm 200 lạng nữa.
– Tôi đã làm xong Phật sự rồi!
– Không nhận tức là chưa tha thứ!
– Vậy tôi xin nhận để chia cho dân nghèo. Tôi xin cáo từ và gửi lại ông bạn một lời của Phật tổ:
“Lấy oán báo oán, oán oán chập chồng,
Lấy đức báo oán, oán sẽ tiêu tan!”.
Nhà phú thương Tô Cự Bi hết bệnh, tâm hồn thư thái. Ông trở thành một con người rất nhân đức, cứu giúp những ai cần. Đối với người dưới, ông rất rộng lượng. Đối với bạn buôn, ông rất khoan hòa. Bàn tay ông rất rộng rãi đối với tất cả người khốn nghèo. Ông dùng nửa đời về sau chuyên để làm những việc lợi ích, gặp ai, ông cũng khuyên niệm Nam mô A Di Đà Phật.