Thế nào là Thiên địa bất nhân tạo như sâu cập?

Hỏi:
Thế nào là Thiên địa bất nhân tạo như sâu cập?

Đáp:
Người ta hiểu lầm chữ Hán, câu ấy nghĩa là Đại nhân bất nhân. Tại sao Đại nhân bất nhân? Sự thương mến (nhân) cùng khắp mọi chúng sanh, thành ra không có kiến lập cái nhân nữa, người nào cũng bằng nhau, bất nhị rồi đâu thể kiến lập. Cho nên, gọi là Đại nhân bất nhân.

Tất cả vũ trụ đã bằng nhau thì sự tương đối tự tiêu diệt, như tôi đã dùng ánh sáng đèn thí dụ: muốn thành có ngã hay vô ngã đều không được, vì tất cả cùng khắp hư không nên không có sự tương đối. Mặc dù, sự tương đối không còn, không có lý thành lập có ta hay không có ta; nhưng mỗi cây đèn vẫn y như cũ, như 100 cây đèn cùng một ánh sáng, không có hai ánh sáng; đèn lớn phát ra ánh sáng mạnh, đèn nhỏ phát ra ánh sáng yếu.

Phật pháp không thể kiến lập và tiêu diệt, kiến lập là sanh, tiêu diệt là diệt. “Bất sanh bất diệt”, Phật Thích Ca gọi là pháp Bản trụ, vốn là vậy. Nếu thêm ý kiến của mình vô là sanh, như công án “núi sông vẫn là núi sông”, nhiều người không hiểu, kể cả các nhà Phật học giảng kinh thuyết pháp cũng không hiểu.

Tại sao núi sông vẫn là núi sông? Câu đầu tiên chấp núi sông là thật, tức là ý mình cho núi sông là thật; câu thứ nhì cho núi sông là không thật; câu thứ ba núi sông vẫn là núi sông. Cho thật núi sông là ý của mình vô, chẳng phải núi sông cũng do ý của mình vô; thật hay giả là ý của mình, chứ núi sông không có thật hoặc giả. Núi sông vẫn là núi sông vậy thôi.