Thích Thì Phá Chơi

Xưa, có người phát tâm đào một cái giếng ven đường để những ai đi ngang qua đấy đều có thể đến tẩy rửa, uống nước.

Chu đáo hơn, ông xây một bồn chứa nước cạnh đó và còn đặt bên cạnh chiếc bình sứ đẹp có quai cho khách tiện múc nước dùng. Ai cũng cảm kích lòng tốt của ông và trầm trồ khen cái bình đẹp.

Một tối nọ, có bầy hồ ly chạy ngang qua. Thấy giếng, chúng chạy đến thám thính. Vua hồ ly nói:

– Thật là tuyệt khi có cái bình để cho ta nghịch chơi!

Thế là hồ ly đút đầu vào bình múa may. Nghịch chán nó rút đầu ra, do gặp khó khăn, nó đập vỡ bình mới thoát thân được. Một phần bình vỡ còn nằm trên đầu hồ ly chưa rơi xuống, nó đắc chí cười to, bảo đồng bọn:

– Các ngươi xem, mảnh vỡ bình dính trên đầu ta giống hệt cái vương miện!

Mấy con hồ ly kia khuyên nó:

– Đại vương! Cái bình này là đồ dùng công cộng, lẽ ra không nên đập vỡ!

Hồ ly bảo:

– Ta rất thích trò đùa mới này, chỉ cần ta vui là được, có gì là không nên?
Khi khách đến giếng, phát hiện bình vỡ, liền mách chủ giếng:

Bình của anh bị vỡ rồi!

Chủ giếng bèn đặt cái bình mới vào thay thế. Nhưng vài ngày sau, lại bị hồ ly chúa đập vỡ nữa. Mặc dù các con hồ ly khác đều khuyên nó không nên làm vậy nhưng nó không nghe, còn khoe:

– Ta sẽ trở thành vị vua có nhiều vương miện nhất trong lịch sử, tính đến giờ thì ta đã đập được mười bốn cái bình rồi! Thích thì ta đập chơi, có gì mà không nên?

Chủ giếng rất phiền bực vì bình bị vỡ hoài, ông nghĩ thầm: “Rốt cuộc thì ai phá? Phải điều tra mới được!”.

Kín đáo theo dõi, ông phát hiện ra hồ ly chúa phá bình.

Ông liền làm một cái bình gỗ thật chắc, kích cỡ giống y như bình sành, đặt cạnh giếng rồi núp vào gốc cây để xem.

Như lệ cũ, đêm đến, bầy hồ ly chạy ra giếng uống nước, hồ ly chúa nói:

– Tốt quá! Ta lại có thêm vương miện nữa rồi! Nói xong nó chui đầu vào bình đùa nghịch và hô lên:

-Ta thích thì phá chơi, có gì mà không được?

Rồi nó giở mửng cũ, đập vỡ bình, rút đầu ra!

Lần này bình không vỡ và cũng không thể rút đầu ra.

Lúc đó chủ giếng cầm roi chạy tới, bầy hồ ly thấy động, chạy trốn hết. Chỉhồ ly chúa bị kẹt lại, lãnh một trận đòn nên thân.

(Kể theo “Nhân sinh phương hướng” của Lâm Thanh Huyền)

—o0o—

Bài Học Đạo Lý

Có một thời, những người mướn truyện, đọc đến chỗ hay, gay cấn thì gặp phải cảnh không đọc tiếp được vì tờ kế đã bị xé. Họ tức tối nguyền rủa người đã xé những trang hay ấy. Sau đó, đọc đến những trang gay cấn, hấp dẫn họ cũng xé đi, để trả thù… với gương mặt cực kỳ hả hê. Họ cho rằng mình bỏ tiền ra mướn truyện nên có quyền xé và phá hoại.

Rồi những phương tiện, vật dụng công cộng, người ta không phải bỏ tiền ra nhưng vẫn được dùng cũng bị phá hoại không thương tiếc.

Hồ ly chúa phá vỡ bình phục vụ công cộng, có thể cho rằng nó là con thú không biết nghĩ suy. Nhưng tiếc thay, trong đời vẫn có những người hành động chẳng khác hồ ly, không ý thức giữ gìn, thậm chí phá hư các phương tiện công cộng, xem đó như trò đùa nghịch thú vị cốt để giải khuây, không hề nghĩ đến tấm lòng của người đã bỏ của bỏ công ra phục vụ, phụng hiến…

Các băng ghế công viên, trạm xe, phi trường và nhà vệ sinh công cộng… tất cả được dùng để phục vụ người dân. Song một số người chẳng bao giờ nghĩ đến lòng tốt và thiện ý của người lập ra nó để chung sức giữ gìn, xài cho đúng cách và thể hiện sự trân trọng những đồ dùng công cộng ấy thay cho lòng tri ân. Vì nếu không có những vật dụng, những phương tiện phục vụ ấy ta sẽ chẳng hưởng được sự thoải mái, tiện ích.

Những băng ghế công cộng thường được leo trèo, giẫm đạp, bôi bẩn không thương tiếc. Những vòi nước sau khi xài xong không buồn khóa lại, mặc nhiên để nước chảy suốt. Đáng buồn là người sử dụng đã ở tuổi trưởng thành, thậm chí ở tuổi trung niên chứ không phải là những em bé đi chập chững, chưa biết gì…

Ngày nào còn cảnh phá hoại đồ công, còn những kiểu xài bất cẩn vô ý thức như vậy thì chúng ta chẳng thể nào xây dựng nên một xã hội phồn vinh, văn minh, lịch sự… cho dù chúng ta thích được khen ngợi đất nước mình là tân tiến, văn minh. Nếu không bỏ công, của, vật dụng để phục vụ lợi ích cộng đồng thì chúng ta cũng nên đóng góp vào đó sự giữ gìn, trân trọng… để đồ dùng được bền, đẹp, sạch hơn. Như vậy là chúng ta đã góp phần xây dựng xã hội và làm đẹp thêm nhân cách người dân trên đất nước mình.