Trong Phật Giáo Bắc Tông, Tu Sĩ Và Phật Tử Được Đặt Tên Theo Những Nguyên Tắc Nào?

Trong Phật giáo Bắc tông, tu sĩ được đặt tên theo dòng phái. Tu sĩ sau khi vào chùa tu, được thầy đặt cho tên, gọi là pháp tự. Tên được đặt dựa vào cá tính của người ấy, có được sau khi đã thọ giới Sa Di giới (10 giới), gọi là Giới danh.

Khi đi cầu pháp ở một vị thầy giỏi về giáo lý, sẽ được đặt tên gọi là pháp hiệu. Thầy phú pháp đặt tên này để ấn chứng một sự thụ đắc nào đó của người theo học. Có dòng phái thường ra hai bài kệ song song, một dùng đặt pháp danh, một dùng đặt pháp hiệu. Tên đặt theo bài kệ gọi là tên Húy (pháp danh), dùng ghi vào bài vị sau khi người tu sĩ qua đời. Từng chữ trong bài kệ tiêu biểu cho một thế hệ truyền thừa. Như bài kệ của dòng Đạo Bổn Nguyên, có câu đầu là “Đạo Bổn Nguyên thành Phật tổ tiên…”. Chữ Đạo thuộc đời thứ 31 do Đạo Mẫn khai sáng bài kệ. Như vậy, chữ Bổn thuộc đời thứ 32, và chữ Nguyên thuộc đời thứ 33, như Nguyên Thiều, người có công đầu mang Phật giáo vào Đàng Trong…

Đạo hiệu là tên vua phong. Thụy hiệu là tên đặt sau khi người tu sĩ đã mất. Trong Phật giáo, khái niệm là tín đồ không thật sự rõ ràng. Thời Đức Phật còn tại thế, những người chưa xuất gia, cảm mến đường hướng và giáo thuyết của Đức Phất, hỗ trợ cho tăng đoàn phẩm vật, hoặc nghe họ nói pháp… đều được xem là thí chủ. Sau khi đức Phật viên tịch, những người xuất gia có số đệ tử đông đúc, theo từng hệ phái riêng. Từ nay, khái niệm tín đồ đã tương đối được rõ ràng hơn, còn gọi là Phật tử.

Một tín đồ Phật giáo phải là một người đã tiến hành lễ thọ “tam quy, ngũ giới”. Thọ tam quy là quy y Tam Bảo, tức trở về (quy) dựa vào (y) Tam Bảo (Phật, pháp, tăng). Thọ ngũ giới là phát nguyện giữ gìn năm giới không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu. Thọ tam quy ngũ giới, người đó đã được xem là một Phật tử, tu hành tại gia, được đặt cho tên đạo, gọi là pháp danh.

Thông thường, pháp danh được đặt theo chữ đầu của bài kệ thuộc dòng phái mà bổn sư truyền giới đã theo. Bổn sư thuộc đời nào thì đệ tử sẽ dưới đó một đời. Nếu bổn sư thuộc thế hệ truyền thừa của dòng Lâm Tế, phái Liễu Quán, đời thứ 38 thì đệ tử phải thuộc đời thứ 39. Đấy là cách đặt tên pháp danh áp dụng cho những người đã xuất gia.

Còn đối với Phật tử tại gia, sau ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất vào năm 1964, có Hiến chương của giáo hội, cách đặt tên của Phật tử thông thường có chữ đầu là Minh đi kèm với tên, dành cho nam giới và chữ đầu là Diệu, đi kèm với tên, dành cho nữ giới… như nam Phật tử Minh Thọ, nữ Phật tử Diệu Nghĩa…

Đứng đầu các tên là họ Thích, vì được quan niệm theo đạo Phật, tất cả đều là con của Phật, có họ của đức Thích Ca. Tuy nhiên tên gọi có cả họ thường chỉ được dùng cho hàng tăng sĩ đã xuất gia.

Người nam có họ Thích rồi kèm theo pháp danh, người nữ có họ Thích nữ kèm theo pháp danh. Như Hòa thượng Thích Thiện Chiếu, ni sư Thích nữ Như Thanh…