Thầy Thích Hạnh Đức, thế danh là Trần Văn Minh, sinh ngày mồng 10 tháng 4 năm 1948 (nhằm mùng 2 tháng 3 năm Mậu Tý), tại xã Bình Đức, quận Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Thầy sinh trưởng trong một gia đình nông nghiệp thuần lương, có truyền thống tín ngưỡng Phật đạo lâu xa. Thông minh, hiền hậu, luôn hòa ái để học hỏi, thân cận; nên Thầy rất được lòng với mọi người. Do vậy, Ngài đã sớm có những mối quan hệ đạo tình ngay từ tấm bé, kỷ niệm tuổi thơ rất đẹp với các bạn cùng trang lứa trong làng cùng nhau đến chùa tụng kinh và nghe giảng.
Ngay từ những năm tiểu học ở trường làng, Thầy đã được xem là tấm gương hiếu học và rất mực lễ độ với thầy, cô và với bạn bè.
Tháng 6 năm Kỷ Hợi (1959), Thầy được gia đình đồng ý cho xuất gia tu học nơi chùa Viên Giác – Thanh Thanh Sơn (núi Thình Thình thuộc hạt Sơn Tịnh, giáp ranh với Bình Sơn) làm đệ tử của Hòa thượng Thích Huyền Đạt. Thầy đã nhanh chóng chiếm được lòng tin yêu của đại chúng, Bổn sư nhận thấy nơi Thầy có tư chất thông minh, nên khuyến khích cố gắng tiếp tục con đường học vấn là việc ưu tiên.
Sau lưng chùa Viên Giác – Thanh Thanh Sơn là cả một vùng đồi thoai thoải thuộc quyền sở hữu Tăng chúng trong chùa, ngoài việc tu học còn phải tham gia công việc trồng tỉa, thực hiện phương châm của Tổ Bách Trượng “Nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực”. Công tác nông thiền ấy không ngoại trừ bất cứ ai. Thầy tuy chưa đến tuổi phải nhọc sức như các sư huynh vì còn ưu tiên cho việc học, nhưng vẫn xông xáo bằng tất cả những thì giờ rảnh rang để phụ giúp phần nào công việc. Nhờ vậy mà Thầy trông khỏe và vạm vỡ như một thiếu niên.
Năm Quý Mẹo (1963), như bao ngôi chùa khác, chùa Viên Giác cũng hòa mình vào công cuộc đấu tranh chống chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm, vì họ đang ra sức tận diệt Phật giáo. Ngày ngày cắp sách để trường quận lỵ xa xôi, nhưng với tuổi 15 nhanh nhẹn ấy, Thầy mang đi mang về những thông tin liên lạc từ chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội tỉnh với Bổn sư là Cố vấn Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo tỉnh Quảng Ngãi.
Những ngày tháng này, trước cảnh đau thương của Phật giáo, đã chuyển biến tâm hồn Thầy trở nên trầm tư trước tuổi, từ đó bao nỗi uẩn khúc khi được bày giải, đã làm ngạc nhiên Bổn sư và chư huynh đệ được nhân lên dành cho Thầy.
Năm Giáp Thìn (1964), sau khi hoàn thành công cuộc đấu tranh giành lại quyền tự do tín ngưỡng và chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ra đời với hiến chương pháp lý. Phật giáo Việt Nam bước sang trang sử mới với quy mô hoạt động rộng rãi, phù hợp với đà tiến hóa của thời đại đó. Từ cơ sở thuận lợi ấy, hàng Tăng sĩ được dịp tiếp cận với thực trạng xã hội để nâng bước phát triển. Chùa Viên Giác tuy ở vùng sâu nhưng là ngôi chùa đi tiên phong đáp ứng các chủ trương của Giáo hội, do Bổn sư Ngài được thỉnh cử làm Đặc ủy Tăng sự của Tỉnh hội Phật giáo Quảng Ngãi, nên Tăng chúng trong chùa được nhờ hồng ân oai đức đó, có điều kiện hòa nhập nhanh chóng. Thầy là một trong những nhân tố được đặt để và giúp đỡ trong sự hòa nhập đó.
Năm Ất Tỵ (1965), trước nhu cầu cấp thiết của Giáo hội là đào tạo Tăng tài có khả năng và trình độ kiến thức để hoằng dương chánh pháp. Thầy được Bổn sư gởi lên chùa Tỉnh hội để tiện việc học ngoại điển nơi trường Trung học Bồ Đề tỉnh, đồng thời có điều kiện gần gũi chư tôn đức tham cầu Phật đạo. Đây là dịp may hiếm có trong đời tu sĩ nên Thầy rất hân hoan lạy tạ Bổn sư y giáo du học.
Năm Bính Ngọ (1966), Thầy đã thọ Sa di giới tại Giới đàn chùa Hội Phước, tỉnh Quảng Ngãi. Việc học không xao lãng, việc đạo chẳng lìa xa, Thầy đã đi từng bước vững chắc trên lộ trình tiến tu trí đức, mang theo bên mình hoài bão phụng sự chúng sanh cao đẹp và tuân hành lý tưởng Giáo hội một cách thiết tha.
Khi thọ Sa di giới cũng là lúc trình độ nhận thức của Thầy đã trưởng thành. Do vậy, Thầy đã chạm phải một thực trạng đau đớn khác đến với Giáo hội, có bàn tay đối nghịch thâm độc của chính quyền kế sau Diệm. Vết rạn nứt trong lòng Giáo hội đã manh nha từ lâu, nay lại thêm tác động xấu ấy đã trở nên trầm trọng, khiến Viện Tăng Thống và Viện Hóa Đạo phải tạm lánh bỏ mảnh đất Việt Nam Quốc Tự của mình về đặt trụ sở tạm tại chùa Ấn Quang.
Chính quyền không chỉ dừng lại ở mức chia rẽ giới lãnh đạo Giáo hội, mà ngấm ngầm hậu thuẫn cho một số tín đồ đã không ngần ngại khiêu khích tính địa phương, biến nơi hòa ái tiến tu trở nên đôi bờ thù hận, chia rẽ Nam-Bắc, khiến cục diện ngày càng trở nên xấu đi. Sự khích động ấy của chính quyền đã gây ra bao đau thương cho trang sử Phật giáo, hình thành ra cái gọi là “Giáo hội Quốc Tự” cùng “Giáo hội Ấn Quang” hết sức đau buồn.
Để hợp pháp hóa “Giáo hội Quốc Tự”, chính quyền tạo ra “Hiến chương 23/67” để phát triển ý đồ công nhận cái mới xóa bỏ cái cũ. Phật giáo đang đứng bên bờ thảm họa mới, chưa biết rồi sẽ đến mưu chước gì nữa trong những ngày tháng tới.
Ngày 11 tháng 9 năm 1967, đức Tăng thống triệu tập các hệ phái đồng sáng lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất năm 1964, để nêu rõ lập trường của Giáo hội và khẩn trương thành lập ngay Ủy ban Bảo vệ Hiến Chương. Ngày 14-9, Viện Tăng Thống – Viện Hóa Đạo đã gởi thư lên tướng Thiệu với 51 chữ ký của các tỉnh – miền, yêu cầu hủy bỏ “Hiến chương 23/67”. Thế nhưng lời khẩn cầu thiết tha chính đáng ấy đã không được đoái hoài, một thái độ xem thường tổ chức Phật giáo Việt Nam. Từ đó, máu xương Tăng Ni, Phật tử tha thiết vì đạo mầu lại tiếp tục tuôn rơi !
Ngày 31 tháng 10 năm 1967, trước hiểm họa thống hận ấy, Thầy không ngần ngại hiến dâng tuổi thanh xuân của mình, để bảo vệ Hiến chương Giáo hội bằng ngọn đuốc rực hồng trước sân chùa Tỉnh hội Phật giáo Quảng Ngãi. Năm ấy, Ngài vừa đúng 19 tuổi đời, 9 năm trau dồi đạo hạnh.