XIN CHO BIẾT VỀ CÁC SÂYMA TRONG CHÙA KHMER

Ngôi chùa Khmer là trung tâm sinh hoạt tôn giáo, văn hóa, xã hội của cả cộng đồng tộc người Khmer. Việc xây dựng ngôi chùa Khmer vì vậy, trở nên quan trọng, đặc biệt là khi xây dựng khu vực chính điện và lễ khánh thành ngôi chính điện, còn gọi lễ kiết giới sâyma.

Sâyma, người Khmer gọi là Rưs sâyma, là bia đá được dựng lên xung quanh chính điện của ngôi chùa Khmer mới cất. Theo quy định, có 9 sâyma được dựng xung quanh nhằm làm mốc ranh giới, ngăn các thế lực xấu xâm nhập vào khu vực tinh khiết, nơi thờ Phật. Chính vì vậy, khi xây dựng xong ngôi chính điện, thường có lễ kiết giới sâyma, trong ngày khánh thành chính điện. Nếu chưa tổ chức lễ kiết giới sâyma, coi như việc xây cất chính điện chưa hoàn tất, coi như nơi đây chưa phải là chùa, là nơi chưa có ranh giới để tu hành. Người Khmer gọi lễ khánh thành chính điện là Bành chót Sâyma (Banh banh chaos sây ma).

Người ta đào tám hố theo hướng sát tường, dọc theo chính điện, mỗi bên bốn hố, một hố ở giữa trung tâm, ngay lòng chính điện trước Phật điện. Trong chín hố này sẽ được chôn 9 bia đá. Các bia đá được cân đo đúng kích thước trọng lượng theo quy định sẵn.

Tín đồ dự lễ sẽ bỏ vào hố vật tượng trưng cho mơ ước của mình ở kiếp sau. Muốn học giỏi sẽ bỏ sách vào hố. Muốn cầu giàu sang sẽ bỏ tiền vào hố… Lễ diễn ra trong ba ngày. Khi kết thúc lễ, người ta lấp hố lại. Thời gian tiến hành lễ, sư sãi và tín đồ tụng kinh ba buổi, người dân tham gia các trò chơi. Rạng đông ngày cuối lễ, sau khi sư sãi tụng kinh quy định kết giới đủ chín hố, các Acha có trách nhiệm ở các hướng vào làm lễ. Mỗi người đại diện một hố. Acha hố trung tâm đánh lên ba tiếng cồng. Đến tiếng cồng thứ ba thì các Acha từng hố đồng loạt xô bia đá xuống hố cùng một lúc. Sau đó lấp các hố. Cuộc lễ chấm dứt. Lễ kiết giới sây ma đã được hoàn tất.

Tại các ngôi chùa Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long, vẫn còn khá nhiều sâyma có chạm khắc đẹp, nhiều màu sặc sỡ hình đức Phật ngồi chắp tay thế hoa sen. Chùa Sangamangala (tỉnh Vĩnh Long) đặc biệt có các sâyma được xây nổi ngoài sân như một cái am nhỏ để đánh dấu nơi chôn “đá kiết giới”.