XIN CHO BIẾT VỀ MỘT SỐ PHÁP KHÍ ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG CHÙA THEO PHẬT GIÁO NAM TÔNG

Trong ngôi chùa theo Phật giáo Nam tông, pháp khi có khác với Phật giáo Bắc tông. Ở Nam Bộ, cũng như tại Thành phố Hồ Chí Minh, hệ phái Phật giáo Nam tông có sự khác biệt, được chia thành hai nhóm: hệ phái Nam tông của cộng đồng người Khmer và hệ phái Nam tông trong cộng đồng người Việt.

Trong ngôi chùa Nam tông của người Việt, pháp khí sử dụng phổ biến là đại hồng chung. Ngoài lư hương, chân đèn, các dĩa đựng hoa quả cúng Phật, còn có những cành vàng lá ngọc làm vật trang trí tại chính điện. Những vật dụng này thường được đặt trên bàn gỗ, chạm khắc, trang trí công phu, thếp vàng, gọi là tòa cửu phẩm liên hoa.

Trong ngôi chùa Nam tông của người Khmer, ngoài đại hồng chung, ta còn thấy có bộ ngũ âm, vì ngôi chùa Khmer ngoài chức năng tôn giáo còn là một trung tâm văn hóa quan trọng của phum sóc. Khi thuyết pháp, sư sãi thường sử dụng quạt, do thị giả đứng quạt khi hòa thượng thuyết pháp hoặc dùng để che mặt khi thuyết pháp. Có nhiều loại quạt với chất liệu và kích cỡ khác nhau. Các vật dụng trên bàn cúng như dĩa, chân đèn, lư hương… đều mang cùng phong cách trang trí, chạm khắc giống với các chùa thuộc khu vực Đông Nam Á, lấy đạo Phật làm quốc giáo như ở Thái Lan, Lào, Campuchia…

Trong ngôi chùa Bắc tông, pháp khí đa dạng và phong phú hơn. Ngoài đại hồng chung, còn có loại chuông khác như chuông gia trì, còn có mõ, khánh, đẩu, linh, thủ lư, thủ xích, ốc chuyển hiệu…

Nhìn chung, pháp khi Phật giáo đa số thuộc bộ gõ. Thông dụng nhất là chuông, mõ, trống… Mỗi loại được chia thành nhiều dạng khác nhau, chức năng khác nhau. Cũng có những loại pháp khí thuộc hệ phái Bắc tông trước đây nhưng nay ít sử dụng như còi (ốc chuyển hiệu), thủ lư, thủ xích, tum… Ốc chuyển hiệu là con ốc có kích thước lớn, mỗi khi có đại lễ, người ta thổi lên, báo hiệu buổi lễ bắt đầu. Khi đi, hai người đi nối nhau, thổi một hồi còi, hòa chung với tiếng trống. Cuối lễ, thổi ba hồi còi. Âm thanh của còi rất to, vang xa như tù và. Thủ lư cũng là pháp khí dùng mở đầu trong các buổi đại lễ. Thường được sử dụng trong lễ cúng Vong, cúng cầu siêu, những buổi đại trai đàn thí thực.

Các pháp khí cũng có sự khác biệt về chất liệu và tên gọi theo miền. Miền Trung gọi cái tang, miền Nam gọi cái đẩu. Ở Nam Bộ, mõ thường làm bằng gốc tre, sừng trâu trong giai đoạn đầu di dân, sau này thay bằng gỗ mù u, gỗ mun để có âm thanh ngọt ngào, êm dịu hơn…