Không Nói Lỗi Người

HỎI: Tôi đọc kinh sách thấy dạy rằng “Người tu hành không nên nói lỗi người”, và trong một đoạn khác thì dạy rằng “Đối với những bạn đồng tu có sai phạm thì nên góp ý, nhắc nhở, khuyên bảo”… Như vậy, có phải tùy từng trường hợp mà có ứng xử cụ thể? Mong quý Báo chia sẻ thêm.(NGUYỄN DUY TRÂN, Ba Đình, Hà Nội)

ĐÁP:  Bạn Nguyễn Duy Trân thân mến!

Không nói lỗi người là một trong những phẩm hạnh của người tu. Bởi thói thường, chúng ta luôn hướng ngoại mà ít khi nhìn lại chính mình. Trong khi trọng tâm của sự tu học là “phản quan tự k bổn phận sự”, nghĩa là quay lại nhìn thật kỹ, thật sâu thân tâm của mình để trị liệu và chuyển hóa phiền não, khổ đau; phận sự căn bản của người tu.

Phần lớn chúng ta thường có xu hướng tị hiềm, soi mói, tìm lỗi của người để chỉ trích, phê phán và đàm tiếu. Điều này chẳng những không mang đến lợi ích cho sự tu tập mà còn gây ra sự tạp loạn, phóng dậtngã mạn. Mặt khác, chỉ thấy lỗi của người để chê bai mà không thấy những điều tốt của họ để ca ngợi và noi gương lại là một khiếm khuyết. Cho nên, không nói lỗi người cốt để rèn luyện cách nhìn nhận tích cực, thân thiện hơn với mọi người mà quan trọng nhất là dành thời giờ, tập trung tâm lực để hướng nội, tịnh hóa thân tâm của chính mình.

Tuy nhiên, sự góp ý và soi sáng cho nhau trong tu học là vô cùng cần thiết. Hai tâm niệm “tìm lỗi để chỉ trích” và “góp ý nhằm xây dựng” hoàn toàn khác nhau về động cơ cũng như biểu hiện. Khi “nói lỗi người” bằng tâm từ bi, ngôn ngữ hòa ái, thể hiện chân tình với mong muốn xây dựng thì sẽ mang đến hiệu ứng trị liệu và chuyển hóa rất tích cực. Vì lẽ đó, kinh Phật dạy rằng “Nói năng như Chánh pháp và im lặng như Chánh pháp”.

Nguồn: giacngo.vn