Vào thời nhà Tấn, tại đất Trường An, chùa Ngũ Câp, có một người xuất gia tên gọi Đạo An. Ngài xuất gia năm 12 tuổi, bẩm tánh thông minh nhưng ngoại hình rất xấu xí, nên không được sư phụ và chư huynh đệ thương mến. Vì vậy, bao nhiêu việc nặng nhọc trong chùa như cày ruộng, chẻ củi, gánh nước, dọn nhà vệ sinh… Đạo An phải làm hết. Dù làm việc cực nhọc nhưng Đạo An chưa từng than vãn, oán hận mà ngược lại còn rất hoan hỷ, hòa đồng.
Đạo An tùy chúng làm việc cực khổ ngót mấy năm trời. Một hôm, ngài đến đỉnh lễ sư phụ xin được học kinh điển. Sư phụ đưa cho một cuốn kinh dày hơn năm ngàn câu. Ngài cầm lấy, lễ thầy rồi mang theo ra đồng. Sau buổi cày đồng mệt nhọc, ngồi nghỉ luôn tiện đem kinh ra học. Tối đến, ngài đem kinh trả lại và xin được học cuốn khác. Sư phụ rất ngạc nhiên, nhìn thân hình đen đủi xấu xí, nghi ngờ hỏi rằng cuốn kinh hôm nay đã học xong chưa, sao lại xin học cuốn khác?
Ngài trả lời đã thuộc. Sư phụ không tin lắm nhưng vẫn đưa cuốn kinh khác dày hơn, có đến vạn câu. Sáng mang kinh ra đồng, chiều ngài trở về trả kinh, xin được học cuốn khác nữa. Sư phụ bảo đã học được gì, đọc lại cho thầy nghe, ngài liền đọc từ đầu đến cuối không sót một chữ! Sư phụ thất kinh, hết lời tán thán, rồi đem việc ấy ra trước đại chúng trịnh trọng biểu dương.
Từ đó, đại chúng ai nấy đều kính trọng ngài, không dám nhìn dáng vẻ bên ngoài mà vội đánh giá một con người.
(Theo Truy môn tông hạnh lục – Nguyên Hùng dịch)
—o0o—
Bài Học Đạo Lý
Ngài Châu Hoằng khi ghi lại sự tích này đã viết thêm mấy lời bình thế này: “Thiên tài như sư Đạo An đáng ra phải để cho chúng ta lễ lạy, có đâu lại bắt đi cày ruộng, cuốc đất, dọn nhà vệ sinh…!
Vậy mà Sư vẫn làm được việc ấy một cách nhiệt tình và hoan hỷ, không một lời oán thán thầy tổ hay phiền trách huynh đệ. Còn như hàng đệ tử ngày nay, mới có được chút xíu năng lực đã đòi ở phòng riêng, có đầy đủ tiện nghi, phương tiện, được ưu tiên mọi công tác trong chùa để có thì giờ gọi là… làm việc, nghiên cứu. Nếu cắt chia công việc cho hoặc có lời nặng nhẹ một tí là muốn bỏ đi nơi khác, trách thầy tổ không biết sử dụng nhân tài, chê đại chúng không biết thông cảm. Nghĩ đến đây, tôi không khỏi bùi ngùi cho mối quan hệ thầy trò thời hiện đại!”.
Dĩ nhiên, khi Đạo An làm tất cả mọi việc trong chùa không phải vì nghĩ rằng mình xấu xí nên đành chấp nhận làm “cu li”, mà ý thức rằng tất cả mọi công việc chấp lao, phục dịch trong chúng đều là công phu tu tập. Công phu càng siêng năng thì phước đức – yếu tố trọng yếu thúc đẩy và duy trì đời sống xuất gia – càng lớn. Bởi không có phước thì khó tu lắm! Và chính nhờ công phu này mà Đạo An có được định tâm, dẫn đến phát sanh trí tuệ, nên kinh sách xem qua một lần là nhớ mãi không quên.
Vả lại, sự tu tập chủ yếu là dụng tâm, chuyển hóa tâm, tu cái tâm, chứ không liên quan gì đến ngoại hình. “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”, dù đó là tướng tốt của Như Lai. Đức Phật đã từng cảnh giác, hễ ai nhìn Ngài qua hình tướng, tìm Ngài qua âm thanh, thì người ấy đang thực hành tà đạo, không thể gặp được Ngài. Vậy thì tại sao chúng ta cứ mãi đánh giá, bình phẩm một con người qua dáng vẻ, phẩm trạch, chức tước… bên ngoài? Cần phải biết rằng, mục tiêu của đời sống tu tập đạo đức giải thoát là thực hành và thành tựu giới định tuệ. Những thành công bên ngoài chỉ là phương tiện mà thôi. Chớ nên dính mắc vào hư danh, huyễn sắc và nhất là sanh tâm khinh khi, ngã mạn trước bất kỳ người nào, kể cả những người rất tầm thường.
Đó là thái độ cần có của người học đạo vậy.