Thập Nhị Nhân Duyên ở trong bốn thừa, thuộc Trung thừa, thừa này còn ở trong giai đoạn không chấp. Nếu tham Tổ sư thiền được một thời gian ngắn vượt qua Thập Nhị Nhân Duyên. Thập Nhị Nhân Duyên gồm có 2 thứ: Độc giác và Duyên giác.
Độc giác là ở trong thời kỳ không có Phật, tự mình quán hiện tượng vũ trụ đều xoay chuyển trong 12 nhân duyên từ vô minh đến lão tử. Phật nói trong Bát Nhã Tâm Kinh “vô vô minh, diệc vô vô minh tận; vô lão tử, diệc vô lão tử tận”. Vốn không có vô minh làm sao có vô minh hết! Có vô minh là chúng sanh, vô minh hết là thành Phật. Phật nói rõ ràng không có vô minh, cũng không có vô minh hết; không có lão tử, cũng không có lão tử hết. Có lão tử là sanh tử luân hồi, hết sanh tử luân hồi gọi là Niết bàn.
Nhưng sự thật, vốn không có vô minh, không có lão tử thì lấy cái gì để hết! Phương tiện của Phật đối với những người không tin Đại thừa, nên bất đắc dĩ giảng Tứ Diệu Đế và Thập Nhị Nhân Duyên. Nếu tham Tổ sư thiền là vượt qua Thanh văn, Duyên giác, vì bước đầu tiên là nhìn chỗ thoại đầu. Tại sao gọi là thoại đầu? Thoại là một lời nói, đầu là trước khi chưa khởi niệm muốn nói câu thoại, gọi là thoại đầu; tức là trước khi một niệm chưa sanh là thoại đầu.
Khi một niệm chưa sanh, ở trong Phật pháp gọi là vô thỉ vô minh. Tham thiền là nhìn ngay vô thỉ vô minh, vô minh là không sáng (đen tối), nhìn chỗ mịt mù đen tối, rồi đề lên câu thoại đầu. Như hỏi “khi chưa có trời đất ta là cái gì?” để kích thích niệm không hiểu không biết (nghi tình).